LCĐT - Vào dịp tết Nguyên đán, tết tháng Bảy, người Tày Nghĩa Đô gói các loại bánh đặc sản dâng cúng tổ tiên, thần linh, tổ Then, cầu cho người yên, vật thịnh, vật nuôi, cây trồng phát triển, thể hiện ước muốn về cuộc sống hưng thịnh, đạo hiếu uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.
Tết Nguyên đán là tết cả trong năm, không thể thiếu bánh chưng “pẻng chiêng” gói bằng lá dong rừng. Gạo gói bánh chưng là gạo nếp cái hoa vàng, hạt tròn đều. Củi luộc bánh chưng phải là loại gỗ chắc chọn để riêng, không chọn củi gỗ có vị đắng. Nguyên liệu gói bánh là thịt lợn hoặc thịt gà băm viên, đỗ xanh, lá cơm cẩm, than cơm nếp, muối, gừng, hạt dổi, gạo nếp. Lá cơm cẩm giã nát, hòa với nước, tỷ lệ nước và gạo là 1-1, đem ngâm khi lên màu thì đổ ra rá cho ráo nước, trộn ít muối. Có gia đình gói màu tro bằng cách lấy bột than của quả núc nác để ngâm gạo. Hạt dổi nướng than chín tới giã nhỏ trộn với thịt. Thịt lợn ba chỉ thái miếng, nhỏ như ngón tay, khi gói trải lá dong, đổ một lớp gạo, một lớp đỗ xanh, giữa nhân đỗ xanh đặt miếng thịt, lớp gạo, sau đó gói. Thời điểm luộc bánh vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với ý nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới, thể hiện sự chu đáo, đầy đủ của gia đình, con cháu đối với tổ tiên, gửi gắm niềm tin năm mới làm ăn phát đạt, ấm no, may mắn.
Bánh chuối của người Tày Nghĩa Đô. Ảnh: Mạnh Cường (Bảo tàng tỉnh) |
Từ tháng 6 âm lịch, các gia đình đã chọn quả chuối tây, quả ngắn, to, có vị ngọt thơm để sấy khô làm bánh chuối “pẻng cuổi” dâng cúng tổ tiên vào tháng 7. Buồng chuối chọn làm bánh phải được trồng ở nơi sạch sẽ trong vườn, chọn nải to, đẹp nhất để làm bánh. Chuối chín bổ làm đôi, xếp đều lên sàng để gác bếp sấy nhanh khô giữ được vị ngọt. Ngày 13 âm lịch, gia đình chuẩn bị gạo nếp ngon nhất như “khẩu lếch”, “khẩu láng” ngâm, đãi sạch, hong khô mang giã lấy bột mịn. Nguyên liệu gói bánh có thêm lạc rang giã nhỏ, vừng. Chuối khô giã nhỏ trộn, nhào với bột, nặn quả bánh như quả trứng gà, bỏ nhân vào giữa, lăn qua vừng và gói bằng lá chuối khô.
Người Tày có 3 kiểu gói bánh chuối với ý nghĩa khác nhau. Bánh gói gấp thành 3 đoạn bằng nhau, cuộn tròn buộc túm ở giữa “pẻng tải” hay “pẻng tham kha”. Gia đình nào có người làm Then không thể thiếu bánh này, với ý nghĩa là thầy Then đi làm cúng cho các gia đình, không phân biệt giàu nghèo, chữa bệnh cho người ai cũng giống nhau đều khỏi bệnh, tượng trưng cho sự hài hòa, công bằng.
Bánh “pẻng vặn” nặn 2 cái đặt chung vào một mảnh lá chuối, sau đó gập đôi, vặn thắt ở giữa hai chiếc bánh, với ý nghĩa cầu mong cuộc sống của vợ chồng luôn luôn hòa hợp, khăng khít như chiếc bánh vặn. Người ăn bánh phải ăn hết cả hai cái, không được bỏ dở để cuộc sống vợ chồng luôn bền chặt.
Kiểu gói đặt 2 bánh vào lá chuối, đuôi buộc lạt thắt ở giữa, cuối đuôi cắt tạo thành hình đuôi én thể hiện mong ước về cuộc sống no đủ, sung túc. Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi cho biết: Người Tày làm bánh đuôi én để cầu cho sự sống của muôn loài phát triển, sinh sôi. Bánh chuối dâng cho thần linh phù hộ con người và cây trồng, vật nuôi phát triển. Bánh đuôi én thể hiện ước muốn của con người về sự phát triển của môi trường tự nhiên bền vững…