Bánh dày - lễ vật trong cưới hỏi của người Tày

Tại Việt Nam, nghi thức cưới hỏi ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những nét riêng, mang bản sắc văn hóa độc đáo. Đối với người Tày, ngoài trầu cau, trà nước, rượu, xôi, gà… thì bánh dày luôn là lễ vật bắt buộc trong mỗi lễ cưới.

Ngay từ xa xưa, tư tưởng về dựng vợ gả chồng của người Tày đã khá tiến bộ khi hầu hết các chàng trai, cô gái Tày đều có thể tự do tìm hiểu trước khi xin phép cha mẹ hai bên về "chung một nhà".

Khi đó, gia đình chàng trai sẽ cử người sang nhà gái xin được "xem duyên số" của đôi trẻ bằng cách mang họ tên, ngày, tháng, năm sinh của người con gái nhờ thầy Tào giúp đỡ, chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ ăn hỏi, sau đó là đám cưới. Ngày ăn hỏi, nhà trai phải chuẩn bị lễ sang nhà gái. Hai bên sẽ cùng bàn bạc, thống nhất việc tổ chức đám cưới cho đôi trẻ, trong đó có việc thỏa thuận các lễ vật nhà trai phải đem sang nhà gái.

Bà Nông Tuyết Loan (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) cho biết xưa đồ lễ thường chỉ là lợn, gà, xôi nếp, tiền mặt... nhưng bây giờ có thêm cả thuốc lá, bia, nước ngọt. Nhưng thời nào thì đồ lễ cũng không thể thiếu bánh dày. Số lượng bánh dày dùng làm sính lễ trong đám cưới phụ thuộc vào số lượng họ hàng nhiều hay ít, do nhà gái và nhà trai tự thỏa thuận.

"Theo tục lệ ở địa phương tôi thì thường nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai lấy tiền mặt, 120 cái bánh dày nhỏ, mâm lễ cúng bàn thờ tổ tiên gồm có 2 con gà luộc, 2 chai rượu có dán giấy đỏ ở cổ chai. Nếu trong gia đình có các em của cô dâu chưa dựng vợ gả chồng thì nhà trai phải có cây hoa lì xì cho các em. Riêng bánh dày thì có quy định rồi, đó là quà của gia đình chú rể cho anh em, họ hàng thân thích bên nhà gái, mỗi gia đình một cặp, rồi đến khi cặp vợ chồng trẻ sinh em bé, những người được phát bánh họ sẽ đem 1 cái chân giò hoặc một con gà sống và 12 bơ gạo nếp đến thăm trong thời gian cháu gái mình ở cữ" - bà Nông Tuyết Loan nói.

Bánh dày - lễ vật trong cưới hỏi của người Tày ảnh 1
Khách mời là họ hàng thân thích đến dự đám cưới, mỗi người sẽ được chia một cặp bánh mang về.

Vài hôm trước ngày cưới, không khí chuẩn bị tại nhà chú rể sẽ hết sức náo nhiệt. Gia chủ sẽ nhờ những người phụ nữ trong dòng họ, những người trong làng đến để giã bánh dày. Ai cũng vui vẻ đến giúp gia đình vì đây là dịp để mọi người trong họ, trong làng bày tỏ niềm vui, chúc phúc cho con cháu mình.

Gạo được chọn để giã bánh dày là gạo nếp ngon, sau khi gạo được đồ chín sẽ cho vào những chiếc cối bằng gỗ để giã nhuyễn rồi đem ra nặn. Theo bà Nông Thị Khiến (xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), đối với bánh loại nhỏ, nhân bánh là vừng đen giã mịn trộn với đường mật hoặc nhân đỗ xanh. Riêng cặp bánh to nhất, còn gọi là cặp “bánh mẹ” (péng me) không có nhân. Bù lại, sẽ lấy mực từ nước quả mồng tơi chín nhuộm một mặt để có màu đỏ tím, mặt còn lại viết lên chữ “phúc” hoặc chữ “hỷ”.

Bà Nông Thị Khiến cho biết, tục lấy bánh dày làm lễ cưới của người Tày có từ xa xưa rồi, nhưng bây giờ không nặng nề như ngày xưa nữa. Tùy vào từng nhà, có nhà thì yêu cầu lấy 100 cái bánh để phát họ, còn một số gia đình chỉ yêu cầu nhà trai lấy bánh để cúng bàn thờ tổ tiên. Bánh đặt lên bàn thờ thì được làm to hơn, gọi là bánh mẹ và chỉ yêu cầu lấy 1 đôi, còn bánh phát họ thì to bằng cái bát con, phát cho mỗi gia đình 1 đôi. Có gia đình thì yêu cầu nhà trai đem bánh dày sang từ hôm ăn hỏi để phát họ, nhưng cũng có nhiều gia đình chỉ yêu cầu gói gọn trong ngày cưới để phát cho những người đã mời đến lễ ăn hỏi.

Trước lễ cưới một ngày, nhà trai sẽ mang bánh dày sang nhà gái và phần lớn số bánh dày này sẽ được chia cho khách mời đến dự đám cưới, mỗi người một cặp. Cụ Nguyễn Thị Lụy (xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cho biết, riêng người Tày ở xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, đồ lễ được mang sang nhà gái trước hôm cưới một ngày (trước hôm đón dâu gọi là "Đam lệ"). Hôm đó bên nhà gái chờ họ hàng sang rồi mang bánh ra ăn cùng nhau, chỉ để lại 2 cái bánh cốm, 2 cái bánh dày và 2 cái bánh chưng để hôm đón dâu cúng tổ tiên. Tất cả đồ lễ thịt lợn, gà, bánh trái đều được nhà trai mang sang nhà gái từ ngày "Đam lệ".

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, có thời điểm ở một số vùng đồng bào Tày, Nùng việc "đòi lễ" là bánh dày được coi là không cần thiết và gây phiền phức. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với xu hướng tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc như trang phục, ẩm thực, nhiều gia đình cũng quay trở lại với tục lệ chia quà cho khách dự cưới là bánh dày. Tùy điều kiện, thời gian của nhà trai, số lượng bánh có thể chỉ mang tính tượng trưng nhưng nhất thiết phải có cặp “bánh mẹ" (péng me) để dành dâng cúng trên bàn thờ tổ tiên, cầu mong may mắn, sức khỏe cho đôi vợ chồng trẻ; mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm cho bản, cho làng.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

Nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, từ ngày 15/11 - 7/12, huyện Bắc Hà tổ chức Festival mùa đông năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.

fbytzltw