Chuyện ở xã nhiều OCOP nhất Lào Cai

LCĐT - Chuyện mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì nhiều người biết, nhưng ít người biết có một xã không thuần nông, cư dân thuộc diện tứ xứ “liên hợp quốc”, nằm ven quốc lộ, lọt giữa vùng đô thị thành phố và khu công nghiệp lớn, ít lợi thế nông nghiệp tự nhiên, nhưng lại “nắm giữ” hơn chục sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nhiều nhất tỉnh.

Chuyện ở xã nhiều OCOP nhất Lào Cai ảnh 1
Thị tứ Gia Phú hôm nay.

Sát tết, chúng tôi xuôi Quốc lộ 4E, vừa ra khỏi thành phố Lào Cai đặt chân đến đất Gia Phú (Bảo Thắng). Dường như ở đây, tết đã rất gần, khi các hợp tác xã (HTX) nông sản, chế biến thực phẩm, dược liệu và người dân đang chạy đua với thời gian để làm đủ hàng phục vụ mọi nhà đón xuân, vui tết này.

Bên lò sấy nhiệt cao, khói trắng quẩn đặc, thơm mùi thảo mộc đặc trưng như mời gọi, tốp nhân công là con em người dân bản địa miệt mài, kỹ lưỡng từng công đoạn để cho ra những mẻ thịt ba chỉ, xúc xích, lạp xường, thịt trâu sấy vàng màu cánh gián, thơm ngào ngạt mùi gia vị đặc trưng Tây Bắc, để đến mâm cỗ ngày tết của mỗi gia đình...

Giám đốc HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú Vũ Thị Thắm hào hứng: Những tấm giấy thông hành OCOP vừa như lực đẩy, vừa như “gương soi” mỗi ngày để HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm chung sức, đồng lòng duy nhất một mục tiêu “3 hơn”, đó là sạch hơn, ngon hơn và giá cả phù hợp hơn.

Là đơn vị dẫn đầu về số lượng sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP của tỉnh Lào Cai, HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú có 5 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, thịt ba chỉ lợn hun khói, lạp sường hun khói và xúc xích lợn. Bình quân mỗi tháng, từ đây cung cấp ra thị trường 3 tạ thịt lợn sấy các loại (tương đương khoảng 1 tấn nguyên liệu thịt tươi đầu vào). Dịp tết Nguyên đán Quý Mão này, HTX đã chuẩn bị 2 tấn xúc xích, thịt sấy và thịt hun khói các loại, bảo đảm nguồn cung theo hợp đồng ký kết với hơn 30 cửa hàng, đại lý và siêu thị trên toàn quốc; có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Bên mẻ sản phẩm thịt trâu sấy vừa ra lò bốc khói thơm ngào ngạt, Giám đốc Thắm bộc bạch: Khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ thương hiệu trên thị trường còn khó hơn, không cho phép mình lơi lỏng, tự thỏa mãn.

Điều rất vui là ngay cả khách hàng ở “thủ phủ” trâu như Tuyên Quang, Thanh Hóa, khu vực Tây Nguyên cũng đặt mua sản phẩm thịt trâu sấy đạt OCOP 3 sao của HTX chế biến thực phẩm sạch xã Gia Phú với số lượng lớn, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về.

Chuyện “bén duyên” với thực phẩm sấy khói của chị Thắm bắt nguồn từ những năm tháng sống cùng đồng bào Dao đỏ trên núi cao, bốn mùa sương phủ. Bà con dân tộc bản địa treo thịt lợn, thịt trâu trên gác bếp hun khói củi rừng để giữ hương vị và ăn quanh năm. Kỳ lạ thay, miếng thịt lợn đen hun khói trên gác bếp  ăn một lần là nhớ, cứ đọng sâu trong ký ức, bởi hương vị rừng, bởi quyện mùi khói bếp đốt từ cây dẻ, cây màng tang trên núi cao mù sương ấy. Hạ sơn xuống thị tứ Gia Phú, chị Thắm quyết khởi nghiệp từ sản phẩm thịt sấy của quê mình.

Dạo bước trên đường liên thôn bê tông rộng rãi, quang quẻ, hai bên rực thắm các loại hoa khoe sắc tô điểm nông thôn mới vào xuân, chúng tôi đến HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Giám đốc Nguyễn Tiến Mạnh vừa bấm nút vận hành dây chuyền cô đặc cao lá gan, vừa tiếp chuyện, xung quanh là các xã viên HTX tất bật sơ chế dược liệu, đóng gói sản phẩm. Từ cây thuốc sắc uống gia truyền lấy từ rừng Hoàng Liên chuyên bồi trị về gan, anh Mạnh nghiên cứu cách thức và đầu tư dây chuyền chiết xuất và cô đặc, tạo thành dạng cao đặc, đóng vào lọ thủy tinh, gắn nhãn xuất xứ. “Tôi đang xúc tiến thủ tục, hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, hy vọng sẽ trở thành OCOP thứ 6 của HTX, để đưa bài thuốc bí truyền của đồng bào dân tộc Giáy phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, lan xa thương hiệu dược liệu bản địa của Lào Cai” - anh Mạnh tâm tình.

Chuyện ở xã nhiều OCOP nhất Lào Cai ảnh 2
Giám đốc Nguyễn Tiến Mạnh giới thiệu với khách hàng về sản phẩm OCOP tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Câu chuyện khởi nghiệp và làm OCOP từ dược liệu của anh Mạnh cũng bắt nguồn từ tri thức bản địa của dân tộc Giáy. Nhớ lại thuở còn nhỏ, mẹ anh - bà Trần Thị Kim Thào là người phụ nữ Giáy giỏi cây thuốc nam nhất vùng, mẹ thường dắt anh theo gùi đỡ khi vào rừng lấy thuốc chữa trị bệnh gan, dạ dày hoặc hiếm muộn con cái cho mọi người. Bà không bán lấy tiền, mà người ở gần hay xa cũng chỉ nhận thuốc về dùng, khỏi bệnh thường mang con gà, miếng thịt lợn rừng bẫy được hoặc ít gạo nếp nương nhà trồng biếu tặng, cảm ơn. Năm 2019, anh Mạnh cùng vợ lập HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Vượt qua bao khó khăn, cả những thất bại, đến nay, vợ chồng này có trong tay 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm từ cây nghệ, là: Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, tinh bột nghệ mật ong viên hoàn, tinh bột nghệ đen. Hằng năm, HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương đưa ra thị trường khoảng 3 tấn tinh bột nghệ chất lượng cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trồng nghệ.

Ngày cuối năm, đi trên đồng đất bãi ven sông Hồng mướt màu xanh cây trái thôn Chính Tiến, Đồng Lục, Bến Phà, Bản Bay rực màu đào cảnh bung nở đón xuân về, câu chuyện nở như ngô rang, vì sao và bằng cách nào người Gia Phú sở hữu nhiều sản phẩm OCOP nhất huyện và tỉnh? Chủ tịch UBND xã Gia Phú - Lưu Hoàng Điểu giờ mới cất lời cho rằng, tính chăm chỉ, năng động của bà con vùng xuôi Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình đã thổi hồn vào vùng đất này, lan tỏa đến đồng bào dân tộc bản địa, tạo nên chí lập nghiệp làm giàu ở vùng đất vừa cận thị vừa cận giang đắc địa. Chương trình nông thôn mới tiếp thêm sức, bồi thêm lực cho người dân nơi đây, thông qua hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, trang bị máy móc sản xuất, khơi mở thị trường…

Nhớ lúc ở trụ sở, trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế, anh nói về tiềm năng đất đai và nguồn lực con người của địa phương rất lớn, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” cộng hưởng với khát khao xóa nghèo vươn lên làm giàu trong mỗi người dân, cộng đồng dân tộc bản địa tạo nên chuyển biến lớn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng “trung tâm” nông nghiệp của tỉnh. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Xuân này, huyện Bảo Thắng dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP, với 26 sản phẩm, trong đó có 25 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Gia Phú là “ngôi sao sáng”, chiếm gần một nửa sản phẩm OCOP của huyện, nhiều nhất tỉnh Lào Cai tính theo xã. Nhờ phát triển OCOP, Gia Phú sớm đạt chuẩn nông thôn mới, giá trị canh tác trên 1 ha đất canh tác và thu nhập tính theo đầu người cao nhất, nhì huyện; tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh; đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao bền vững.

Nắng xuân đã chan hòa, thấp thoáng hoa đào gọi tết bung bay theo gió mời gọi đất và người Gia Phú vào xuân mới. Đi giữa đất trời lồng lộng khí xuân, tôi cứ nghĩ về những con người nơi đây mang trong mình hào khí mới, đang làm thay da đổi thịt vùng đất này từng ngày, mà OCOP là “chìa khóa” mang đến cơ hội cho họ từ chính sản vật địa phương. Đó là sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc cách thức làm ra sản phẩm theo bí quyết gia đình mà cha ông truyền qua từ nhiều đời. Vì thế OCOP chính là “báu vật” của từng làng quê thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Mỗi sản phẩm mang một dấu ấn địa phương và sẽ “kể” cho người mua câu chuyện về nó. Vậy nên, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng nhiều lần, mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng. Họ chính là những “đại sứ” làm lan tỏa và tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm truyền thống bản địa trên thị trường thời 4.0 hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Thế Yên, Cựu chiến binh ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai sớm nhận định đúng giá trị của quả chuối. Quyết định đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng sạch, cùng với việc làm chủ công nghệ dấm lạnh quả chuối, gia đình ông Yên đã đưa chuối tiêu hồng từ loại quả bình dân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao chất lượng.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập, các địa phương trong tỉnh cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Nhằm tổ chức sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Văn bản số 1562/UBND-NLN yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025.

Hàng loạt kiến nghị giải quyết các khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Hàng loạt kiến nghị giải quyết các khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Sáng 3/4, tại trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dưới sự chủ trì của đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã có phiên giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 10).

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023.

Chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa xuân

Chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa xuân

Đến nay, nông dân trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy diện tích lúa xuân năm 2024 và đang bắt tay vào thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân; thường xuyên thăm đồng kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để phòng, trừ đảm bảo cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Mùa quay mật ong

Mùa quay mật ong

Từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm là thời điểm nguồn hoa có trong tự nhiên dồi dào, đây cũng là lúc những người nuôi ong xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng vào vụ thu mật.

fb yt zl tw