Thênh thang những con đường xuân

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, những năm qua, tỉnh Lai Châu huy động mọi nguồn lực để nâng cấp, mở mới các tuyến đường. Những con đường thênh thang đưa địa phương kết nối với các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thênh thang những con đường xuân ảnh 1
Một góc thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè.

Chỉ cách trung tâm huyện hơn 2 km, bản Huổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè từng nhiều năm bị cô lập mỗi khi mùa mưa đến. Mọi hoạt động của người dân kết nối với bên ngoài đều phụ thuộc vào thời tiết mưa hay nắng, thông qua con đường mòn chạy dọc suối. Thế nhưng, từ khi nhà nước đầu tư con đường bê tông, cuộc sống mới cho người dân nơi đây thực sự bắt đầu.

Bà Vàng Pó Xừ, Trưởng bản Huổi Han, xã Bum Tở cho biết: Cách đây 7 năm, dân bản tập trung thành nhóm hộ sống rải rác trên các sườn đồi. Khi đó, việc đi lại chủ yếu là luồn rừng, lội suối và hoàn toàn bị cô lập mỗi khi mùa mưa đến. Thực hiện chính sách dồn dân lập bản của chính quyền địa phương, bà con đã xuống núi để sống tập trung. Từ đó, con đường bê tông dọc suối dài gần 3 km kết nối với bên ngoài cũng được đầu tư và cuộc sống bớt khổ hơn. Bởi, nông sản làm ra dễ dàng chở đi bán với giá cao hơn. Giờ con đường này cũng đã xuống cấp, chúng tôi mong Nhà nước sớm nâng cấp và mở rộng hơn.

Là địa phương vùng sâu, vùng xa biên giới của tỉnh, huyện Mường Tè từng được đánh giá là địa bàn có địa hình rộng, chia cắt và hệ thống giao thông khó khăn. Việc phát triển hạ tầng giao thông được tỉnh, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư, hiện đã có 2 hệ thống giao thông kết nối liên vùng là quốc lộ 4H và tỉnh lộ 127. Ngoài tuyến đường liên vùng mới mở Tá Pạ - Pa Ủ, kết nối các xã biên giới, huyện còn có hơn 600 km đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Tè, đường giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư đến tất cả các bản, đáp ứng nhu cầu đi lại vào mùa khô. Tuy nhiên, địa bàn rộng và dốc, suất đầu tư thấp khiến nhiều tuyến kết nối từ trung tâm các xã về các bản mới chỉ được mở nền. Dù là vậy nhưng đó cũng là mơ ước bao đời của đồng bào các dân tộc địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 7.120 km đường bộ, với 17 tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Ngoài ra, còn có hơn 260 km đường tuần tra biên giới, gần 6.000 km đường giao thông nông thôn. Dù có những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, nhưng đến nay Lai Châu đã huy động mọi nguồn lực, ưu tiên vốn phát triển giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định: Đến nay, 100% xã trên địa bàn có đường ôtô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa; 938/957 thôn, bản có đường xe máy hoặc ôtô đến trung tâm được thuận lợi, đạt trên 98%. Năm 2022, Sở triển khai sửa chữa 14 công trình trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương được giao quản lý. Các trục quốc lộ và đường tỉnh 100% được nhựa hóa mặt đường và mở rộng mặt đường. Còn các tuyến đường huyện đã có trên 80% nhựa hóa mặt, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhựa hóa phần đường còn lại. Nhờ thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, góp phần làm cho mặt đường êm thuận, nâng cao tuổi thọ công trình trên tuyến, bảo đảm giao thông đi lại được an toàn và thuận lợi, từng bước kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả, trở thành mạch máu kết nối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đồng bộ hóa hệ thống giao thông trên địa bàn, tăng cường khả năng kết nối vùng, Lai Châu đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Lai Châu, hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, giao thông kết nối với các cửa khẩu trên địa bàn. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Thành bại của nuôi thủy sản phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nước tự nhiên. Đồng hành với người nuôi thủy sản, tỉnh Lào Cai chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước trên địa bàn, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, góp phần phát triển nuôi hiệu quả, bền vững.

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Tháng Tư hằng năm là thời điểm người dân xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà bắt đầu vào vụ thu hoạch lứa búp chè cổ thụ đầu tiên trong năm. Họ phải vượt núi, băng qua những cánh rừng, trèo lên cây chè cổ thụ cao vài mét để hái từng búp chè xanh non mơn mởn.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Thế Yên, Cựu chiến binh ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai sớm nhận định đúng giá trị của quả chuối. Quyết định đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng sạch, cùng với việc làm chủ công nghệ dấm lạnh quả chuối, gia đình ông Yên đã đưa chuối tiêu hồng từ loại quả bình dân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao chất lượng.

fb yt zl tw