Nguồn “tài nguyên” để phát triển du lịch

LCĐT - Lào Cai là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, với kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Những năm qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được đẩy mạnh, góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước bảo tồn được các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó, số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới lớn, có giá trị trở thành nguồn “tài nguyên” quan trọng để phát triển du lịch.

Lễ cúng rừng của người Hà Nhì (Bát Xát).
Lễ cúng rừng của người Hà Nhì (Bát Xát).

Trải qua 3 thập niên phát triển, từ một tỉnh nghèo về kinh tế, lạc hậu về văn hóa, Lào Cai đã trở thành tỉnh phát triển về tất cả các lĩnh vực, trong đó văn hóa phát triển theo hướng vừa tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới, vừa bảo vệ được sự đa dạng của các loại hình văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Những năm qua, nhận thấy văn hóa truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng xã hội ổn định và là động lực cho phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, dự án nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Điển hình là các đề án qua các kỳ đại hội, như “Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2001 - 2005 đến năm 2010”, “Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010”, “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015”, “Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, “Phát triển văn hóa - du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”…

Kết quả đạt được từ các đề án, dự án trong hơn 30 năm qua rất quan trọng: Đã có gần 50 nghi lễ, lễ hội các dân tộc được sưu tầm, phục dựng, bảo tồn; 2 làng, bản truyền thống được tổ chức bảo tồn gắn với phát triển du lịch; sưu tầm gần 2 nghìn bài dân ca, phong tục, tập quán, 40 bản nhạc khí, gần 200 mẫu hoa văn, chụp hàng nghìn bức ảnh về lễ hội, phong tục, tập quán các dân tộc; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 25 nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản; 39 di sản được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là: Nghi lễ và trò chơi kéo co người Tày, Giáy và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái… Kết quả này đã đưa Lào Cai trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa được vinh danh, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch di sản.

Nghệ nhân người Nùng truyền nghề thêu cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân người Nùng truyền nghề thêu cho thế hệ trẻ.

Huyện Bảo Yên là địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với khôi phục và duy trì nhiều lễ hội, trò chơi dân gian, nghề truyền thống, vừa giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, vừa thu hút khách du lịch. Điển hình là tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Bảo Yên năm 2022, thu hút gần 50 nghìn lượt người dân và du khách, đem đến không khí tưng bừng, phấn khởi, rực rỡ sắc màu văn hóa và để lại những ấn tượng tốt đẹp, khó quên đối với du khách.

Với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, trong những năm qua, đã có nhiều di sản văn hóa phát huy được giá trị trong việc tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thu hút khách đến tham quan, chiêm bái, mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho người dân và ngân sách địa phương, như Lễ hội đền Bảo Hà, Lễ hội đền Tân An, Lễ hội đền Thượng… và các lễ hội Roóng Poọc người Giáy, Lồng Tồng của người Tày, Cấp sắc của người Dao, Gầu tào người Mông, Khu già già người Hà Nhì…

Với định hướng phát triển du lịch Lào Cai bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, ngành văn hóa luôn xác định bảo tồn văn hóa với các mục tiêu chính là ổn định xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phát triển kinh tế và phát triển du lịch. Do đó, các chương trình bảo vệ di sản văn hóa luôn hướng đến phát triển du lịch của Lào Cai ngày càng độc đáo, đa dạng, giàu bản sắc. Du lịch trở thành phương án hữu hiệu góp phần bảo tồn di sản văn hóa được tốt hơn, bền vững hơn.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc ở Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển con người Lào Cai ngày càng đoàn kết, văn minh, thân thiện, cũng như hỗ trợ du lịch phát triển bền vững, mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh và địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw