LCĐT - Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.
Những câu thơ của Chế Lan Viên chợt lóe lên trong đầu khi tôi đứng ngắm cồn cát giữa sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa hai phường Kim Tân và Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) với những chùm lau trắng đang đua nhau nở rộ. Gió se sẽ đẩy cả ngàn lau dập dờn chạy từ đầu bãi xuống mãi phía bờ xa. Trời cuối năm rét ngọt. Hình như ông trời cố gắng làm nốt mấy cơn gió cuối mùa cho đủ chỉ tiêu để bước sang xuân.
Lau sông Hồng đẹp quá! Dài và trắng muốt như những chiếc kẹo bông khổng lồ. Đã từ lâu, cồn cát giữa sông là điểm đến cho các đôi trai gái chụp ảnh cưới, là cảm hứng cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh sáng tác, hoặc đơn giản là nơi các bạn trẻ chek-in chụp ảnh đăng facebook. Nhưng đối với tôi, đó đơn giản chỉ là những bông lau giữa lòng thành phố. Ấn tượng quan trọng nhất là nó làm tôi nhớ đến những vạt lau cách đây hơn trăm cây số, nơi ngã ba biên giới sông Chảy - Tả Gia Khâu.
Sao đã là hoa lau thì cứ phải màu trắng nhỉ? Tôi đã đọc nhiều bài văn, bài thơ, thậm chí cả sách khoa học viết về cỏ lau, hoa lau, nhưng không thấy ở đâu nói có hoa lau vàng, lau đỏ, lau đen, lau tím… mà luôn mặc định là lau trắng. Lau mọc trên đồi hoang, mọc bên bờ suối vắng, mọc trong sình lầy, mọc trên vách đá. Hoa lại nở vào mùa đông, những thứ đó làm cho nó càng trở nên lạnh lẽo, cô đơn và hoang dại.
Từ cầu Bản Mế đi ngược dòng hơn cây số đến ngã ba biên giới sông Chảy. Từ đó đi tiếp theo dòng chính về Si Ma Cai hoặc rẽ trái đi về sông Xanh của Mường Khương, hai bên bờ đều bạt ngàn lau trắng. Lau không bao giờ đơn độc mà luôn mọc thành bụi, thành rừng. Có lẽ chúng cũng hiểu nếu một bông lau, một bụi lau đứng đơn lẻ sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Lau cũng không cần ai chăm sóc, lau tự mình sức sống vươn lên mãnh liệt. Hình như càng rét, hoa lau nở càng trắng hơn. Gió thổi càng mạnh lau càng vươn lên. Có lên biên giới, tận mắt chứng kiến mới thấy được vẻ đẹp của ngàn lau trắng muốt, bay phất phơ trong gió. Sức sống của nó thật diệu kỳ. Đi dọc biên giới nhiều nơi hiểm trở con chim không muốn bay, con ngựa không muốn bước, chỉ có hoa cỏ lau mọc và dấu chân của các chiến sỹ biên phòng. Những bông hoa lau nở rộ, bung ra những hạt nhỏ li ti, nhờ gió cuốn đi để gieo mầm sinh sôi nảy nở cho những mùa sau. Lau mỏng manh đấy, thướt tha đấy, nhưng khi đứng gần nhau thành tầng thành lũy, muốn bước qua cũng khó.
Tôi là người hoài niệm, thường nhớ như in những gì đã xảy ra trong quá khứ. Mẹ bảo những người như vậy thường khổ. Không biết có phải vậy không nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy mình là người may mắn. Tôi có sáu năm đóng quân ở Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, một khoảng thời gian không dài đối với một đời người nhưng đó là một phần năm của đời binh nghiệp. Những năm đó, tôi có một cái lịch bất thành văn là luôn đi tuần biên giới vào chiều cuối năm. Dọc theo con sông Xanh huyền thoại, ngắm những vạt lau trải dài khắp bờ biên mà lòng nôn nao khó tả. Mỗi khi kết thúc buổi tuần tra, tôi thường đi cuối cùng và như muốn thầm thì nhờ những bông lau ở lại trông biên giới giúp anh em chúng tôi đón giao thừa.
Tôi đã gặp ở Tả Gia Khâu biết bao người tốt. Họ là Bí thư Đảng ủy Lý Xuân Trang, trưởng thành từ phong trào thanh niên của xã từ trước chiến tranh đến khi trở thành người đứng đầu xã vẫn chân thành giản dị. Hoặc Chủ tịch Lù Phủ Hương, chàng trai người Nùng ngoài bốn mươi tuổi vẫn đăng ký phấn đấu học hết các chương trình bổ túc để có kiến thức phục vụ quê hương. Rồi chị gái Hồ Si Vín, dân tộc Thu Lao, dù chồng mất sớm vẫn cố gắng thu vén việc nhà để tham gia công tác phụ nữ. Rồi cố Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Trung sĩ Chảo Cồ Lèng, mặc dù đáng tuổi cha chú nhưng luôn tôn trọng gọi tôi là “thủ trưởng”, đơn giản vì ông vẫn giữ tác phong quân ngũ, tôn trọng người có cấp hàm cao hơn… Gần đây là Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên, những cậu bé người Mông mồ côi cha từ nhỏ được các chiến sỹ đón về nuôi theo chương trình “con nuôi đồn biên phòng”. Không có họ, tôi và anh em biên phòng làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ được!
Các chiến sỹ biên phòng sau thời gian gắn bó với bà con có thể chuyển đến đơn vị khác, hoặc hoàn thành nghĩa vụ rồi xuất ngũ. Các thầy cô giáo sau nhiều năm cống hiến cho vùng cao, được nhà nước quan tâm cũng về xuôi để hợp lý hóa gia đình. Cán bộ ở dưới huyện tăng cường lên hết thời hạn cũng phải luân chuyển. Những ngày giáp tết, nhiều đoàn công tác từ trung ương, từ tỉnh và các nơi đến thăm, động viên quân và dân biên giới. Nhưng rồi ai cũng có gia đình và công việc của họ. Những ngày tết, chỉ còn các chiến sỹ biên phòng và những người con của biên giới như Lý Xuân Trang, Hồ Si Vín, Lù Phủ Hương, anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên… cùng với ngàn lau trắng ở lại cùng biên giới.
Ngày xuân, bớt đi một phần những rộn ràng của Tết, những ồn ào phồn hoa đô hội, ta hãy dành một khoảng lặng để biết rằng ở những nơi xa xôi, những góc rừng biên giới vẫn có những ngàn lau thầm lặng đứng bên nhau đón tết với sức sống vô cùng mãnh liệt.