Những ngày chuẩn bị ra số báo đầu tiên

                 Lê Minh Thảo

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai

LCĐT - Ấy là tôi nói việc ra số báo đầu tiên (số 1 - Bộ mới) của Báo Lào Cai sau khi chia tách ra từ báo Hoàng Liên Sơn tháng 10/1991, chứ Báo Lào Cai đổi mới có từ ngày 10/4/1963 trên cơ sở kế thừa và nâng cấp các bản tin có trước đó. 30 năm đã trôi qua, những người có mặt ngày đầu ấy giờ đã rời xa cây bút và trang giấy nhưng vẫn còn vẹn nguyên những ký ức và tình cảm với tờ báo mà mình đã từng gắn bó.

Các thế hệ nhà báo của Báo Lào Cai gặp mặt ôn lại kỷ niệm những ngày chuẩn bị ra số báo đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh 1/10/1991.
Các thế hệ nhà báo của Báo Lào Cai gặp mặt ôn lại kỷ niệm những ngày chuẩn bị ra số báo đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh 1/10/1991.

Khi còn là tỉnh Hoàng Liên Sơn, việc phóng viên đi cơ sở ở các huyện biên giới lấy tư liệu viết tin, bài là vô cùng khó khăn, phải đi dài ngày vì đường sá xa xôi, phương tiện giao thông thiếu thốn. Việc lưu trú không như ngày nay. Khoảng tháng 7/1991, do hoàn cảnh gia đình, tôi đề xuất với Ban Biên tập cho lên thường trú tại huyện Bảo Thắng. Một mặt vừa thuận tiện cho công việc, một mặt giải quyết việc mưu sinh của gia đình. Ban Biên tập đồng ý và có văn bản đề nghị huyện Bảo Thắng tạo điều kiện giúp đỡ. Thường trực Huyện ủy lúc đó, Bí thư là anh Lương Xuân Mầu ủng hộ và tạo điều kiện ngay. Nơi ở và làm việc là một phòng của nhà khách huyện, phương tiện thì giao cho Đài Truyền thanh huyện giúp đỡ. Mọi việc coi như đã xong chỉ chờ ngày gồng gánh nhau lên là thoát được cuộc sống khó khăn do nhà bốn người mà chỉ có một suất lương là tôi. Hơn nữa địa bàn Bảo Thắng là nơi gia đình tôi đã từng sinh sống rất lâu trước đó.

Nhưng chưa kịp đi thì có tin tách tỉnh, đành phải chờ đến khi có nghị quyết chính thức của Quốc hội. Bối cảnh lúc đó là cơ quan sẽ chia làm hai. Dù cuộc sống ai cũng khó khăn nhưng về nơi cư trú thì tương đối ổn định, các cháu có trường lớp học tập chu đáo. Bây giờ chuyển đi là mọi gian khổ mới lại ập đến. Phương án Ban biên tập đưa ra là chia theo “cặp”, các phòng chuyên môn cứ theo danh sách mà đề xuất chia. Khó nhất là gia đình vợ chồng ở hai cơ quan khác nhau, nhưng nhìn chung là ai cũng lo ngại nếu như phải đi tỉnh mới.

Ban Biên tập có 2 người, chắc chắn ở 2 vị trí, anh Nguyễn Bội Đông - Tổng Biên tập ở lại báo Yên Bái, anh Hồ Xuân Đoan - Phó Tổng Biên tập làm Tổng Biên tập Báo Lào Cai. Thế là âm thầm một cuộc lựa chọn diễn ra. Suốt một dạo cơ quan cứ tụm năm tụm ba xì xào bàn tán như… buôn bạc giả. Có đêm còn kéo nhau ra tận bờ hồ Hào Gia để “họp kín” rằng cần phải thế này, cần phải thế kia… Trong tình thế ấy, tôi là người vô tư nhất và không phải “cặp đôi” với ai để chia nên không phải làm công tác tư tưởng. Tôi nói với các anh trong Ban Biên tập: Nếu không tách tỉnh tôi cũng xin lên Bảo Thắng thường trú, bây giờ tách tỉnh rồi tôi xung phong đi, các anh không phải động viên nữa. Cơ quan có hơn hai chục người (không kể xưởng in) mà trong cuộc ở - đi này có lúc rơi vào thế giằng co như đánh trận.

Cuối cùng rồi danh sách chính thức của hai báo cũng được chốt sau sự dàn xếp trong một cuộc họp của cơ quan kéo dài. Những ngày cuối còn ở bên nhau (dù đã được chia hai kể cả con người và phương tiện làm việc) tình cảm của mọi người trở nên ấm áp lạ thường. Đùng một cái - đến phút 89 - chị Lưu Minh Khai lấy lý do bệnh tật xin ở lại, thế là anh Nguyễn Văn Công (nay đã mất) chồng chị cũng phải ở lại theo dù quyết tâm đi Lào Cai. Thế là Ban Biên tập (cũ) lại phải vận động vợ chồng anh Phạm Quang Trung (nay đã mất) và chị Đỗ Thị Thêm thay vào danh sách đi Lào Cai. Sở dĩ phải vòng vo trong bài như thế là để thấy được bối cảnh hình thành cơ quan báo Lào Cai lúc bấy giờ.

Khi ổn định tổ chức rồi thì bắt tay ngay vào hai việc chính: Chuẩn bị cho số báo đầu tiên và tìm nơi tập kết cho cơ quan ở vị trí mới để các gia đình ăn ở tạm và làm việc. Nói thêm một chút về việc di chuyển, bộ phận tiền trạm ban đầu lên có anh Hồ Xuân Đoan, Đỗ Phan Ái, tôi, lái xe Đào Xuân Vinh và chị Son - kế toán.

Trước mắt tạm trú trong một gian nhà Phòng Tài chính huyện, đêm trải chiếu xuống nền nhà ngủ cùng, ngày cuộn lại lấy nơi làm việc và giao dịch với khách. Anh Phạm Ngọc Triển ở lại Yên Bái vừa lo ma-két cho số báo đầu vừa chăm vợ mới sinh con. Anh Triệu Quang Bích thì phải lo chăm sóc vợ bị tai nạn giao thông, một số anh em còn lại thì lo cho việc chuyển gia đình khi có vị trí tập kết. Huyện Bảo Thắng đồng ý cho cả cơ quan và xưởng in đóng quân tại xí nghiệp bánh kẹo cũ (gần bệnh viện), còn máy móc in ấn thì tập kết tại Lâm trường Bảo Thắng. Được một thời gian ngắn lại chuyển lên Cam Đường, khu vực Thị ủy cũ (thuộc phường Thống Nhất sau này).

Trong 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, Báo Lào Cai đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc đưa thông tin đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, Báo Lào Cai đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc đưa thông tin đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Việc ra số báo đầu tiên có một quyết định mang tính đột phá bởi tầm nhìn của anh Hồ Xuân Đoan lúc bấy giờ được chi bộ thống nhất cao. Đó là trong giai đoạn trước mắt báo phải ra khổ lớn (như báo Nhân dân) một tuần một số và phải in bằng công nghệ ốp-sét thay cho công nghệ in sắp chữ thủ công của xưởng in hiện tại. Chính vì thế mà năm 1994 nhà in được đầu tư máy in ốp-sét, máy vi tính, chế bản kẽm, mặc dù ảnh phải gửi đi Hà Nội để tách phim.

Suốt 3 năm liền mỗi tuần phải có một người mang ma-két và tin, bài, ảnh xuống nhà in Thông tấn xã Việt Nam để sắp chữ và dàn trang. In xong thuê xích lô chở ra ga Hà Nội đi tàu về Phố Lu - Bảo Thắng và tự gánh báo ra Bưu điện vì thời đó chưa có dịch vụ thuê mướn. Trừ Tổng Biên tập và hai chị hành chính ra, còn lại phải thay nhau “cõng” báo đi in và phát hành, về sau có thêm Hải Xuyên, Quốc Hồng và Thái Sinh cùng tham gia công đoạn này.

Báo Lào Cai đến với bạn đọc vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Báo Lào Cai đến với bạn đọc vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lại nói về số báo đầu tiên, sau khi làm thủ tục xin được giấy phép, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Lào Cai sẽ xuất bản và phát hành số 1 vào ngày 1/11/1991 đúng ngày kỷ niệm giải phóng Lào Cai. Sau 1 tháng chuẩn bị với bao công việc phải lo giải quyết, nhưng báo đã kịp thời đến tay bạn đọc trong lễ kỷ niệm diễn ra tại Sân vận động thị xã Lào Cai (Cam Đường cũ). Khi anh Hồ Xuân Đoan còn sống, đôi lần chúng tôi nói với nhau cứ tiếc là sao không thay đổi cái măng-séc mới nhân khi ra số báo đầu tiên, có lẽ vì muốn hơi hướng truyền thống của Báo Lào Cai đổi mới ra đời từ năm 1963. Măng-séc hiện nay là mãi đến sau này mới thay đổi.

Khi báo ra rồi thì việc chăm lo để nó tồn tại và phát triển là một thách thức đối với anh em trực tiếp làm báo. Phóng viên viết thì không biết chụp ảnh, phóng viên ảnh thì chưa bao giờ viết vì tổ chức của báo trước đây là thế. Bây giờ người ít việc nhiều, không thể đi một sự kiện mà có đủ cả người viết, người chụp ảnh. Vậy nên yêu cầu đặt ra là phải hướng dẫn cho nhau cách chụp ảnh, cơ quan duy nhất có cái máy ảnh hiệu Pờ-ra-ti-ca cũ được chia mang theo nên phải dùng chung. Đầu năm sau thì mua thêm được cái máy Zenit (của Nga), buồng tối in phóng ảnh chỉ có Phan Ái và tôi biết làm nên thường xuyên phải đi làm nhờ ở các hiệu ảnh. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết anh em biết làm cả và lại làm tốt.

Phải nói ngay từ những ngày đầu tiên, đội ngũ cán bộ phóng viên, nhân viên của báo là những người nhiệt huyết, sức còn trẻ, tận tâm với công việc nên các số báo tiếp theo đều xuất bản đúng kỳ. Chất lượng của tờ báo ngày càng được nâng cao cả về nội dung lẫn hình thức, được bạn đọc và cơ quan chủ quan đánh giá cao, tạo đà cho sự phát triển những năm sau này của tờ báo.

30 năm - tưởng mới như ngày hôm qua. Vài kỷ niệm để nhớ những ngày gian khó nhưng lạc quan tin tưởng vào tương lai phát triển của tờ báo. 30 năm, xin được khắc ghi chân dung và sự nghiệp gắn liền với tờ báo của các anh chị đã đi xa, những người từ những ngày đầu tiên và sau đó vài năm, đó là: Hồ Xuân Đoan, Vũ Tăng Thái, Nguyễn Văn Công, Phạm Quang Trung, Nguyễn Thị Tấn... tiếp đến là Đỗ Thị Sâm.

Vâng! Mới đó mà đã 30 năm.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thư cảm ơn nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai

Thư cảm ơn nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai

LCĐT - Đồng chí Đăng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai đã gửi Thư cảm ơn về việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/10/1991 – 1/10/2021).
Vững vàng “phên dậu” biên cương

Vững vàng “phên dậu” biên cương

Đồng hành suốt 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, bộ đội biên phòng tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Giới thiệu địa chỉ sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”

Giới thiệu địa chỉ sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”

LCĐT - Nhân dịp kỷ niệm 30 tái lập tỉnh, nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh Lào Cai ''kiên trung, giàu sáng tạo, đang vươn mình hòa nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại'' đến với bạn bè trong nước, tỉnh Lào Cai xuất bản sách điện tử “30 năm Lào Cai sáng tạo”.
Tự hào quê hương 30 năm phát triển

Tự hào quê hương 30 năm phát triển

​​​​​​​LCĐT – Lào Cai sau 30 năm tái lập đã thay đổi mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là hiện thân sinh động của quá trình dựng xây không nghỉ của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều có quyền tự hào về sự phát triển của quê hương
fb yt zl tw