Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao

LCĐT - Nhiều lần đến thăm Trường THCS và THPT Bát Xát, tôi gặp một thầy giáo có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, nụ cười luôn nở trên môi đang miệt mài cùng các đồng nghiệp và các em học sinh cặm cụi cắt cắt, hàn hàn những thanh sắt. Ai không biết cứ tưởng anh là thợ nhôm kính chứ không nghĩ đó là thầy giáo hiệu trưởng nhà trường. Ba năm qua, thầy giáo trẻ Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát đã sáng tạo ra hệ thống bếp đun nước nóng công suất lớn giúp hàng nghìn học sinh vùng cao có nước nóng tắm trong mùa đông giá lạnh.  

Mùa đông không lo thiếu nước nóng

Trường THPT số 3 Mường Khương nằm ở xã Cao Sơn, giáp xã La Pan Tẩn, Tả Thàng, là 3 xã xa xôi nhất của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Năm học 2021 - 2022, Trường THPT số 3 Mường Khương có 352 học sinh, trong đó 270 học sinh bán trú đều là người dân tộc thiểu số. Theo thầy giáo Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất của nhà trường là ở nơi xa xôi, vào mùa đông sương mù, giá lạnh có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Việc đun nước tắm cho hàng trăm học sinh bằng bếp củi khó thực hiện vì không đủ củi, trong khi đó việc đun nước bằng bếp ga, bếp điện là không thể vì quá tốn kém. Vậy nhưng mùa đông năm học trước và năm nay nỗi lo đó đã không còn nữa. Hàng trăm học sinh bán trú của trường đã có nước nóng để tắm nhờ hệ thống bếp lò đun trấu rất hiệu quả do thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát sáng tạo và trực tiếp xây dựng giúp trường. Nhờ hệ thống này, học sinh không phải vào rừng lấy củi vất vả như trước, không phải lo về nhà tắm, nên tỷ lệ chuyên cần được đảm bảo ngay cả trong những ngày rét nhất.

Cách xa Trường THPT số 3 Mường Khương hàng trăm km, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, mùa đông năm nay nỗi lo về nước nóng để tắm rửa, sinh hoạt cho học sinh nội trú cũng không còn nữa, mùa đông giá rét không còn là nỗi lo sợ của hàng trăm học sinh vùng cao nguyên đá nơi đây. Cô giáo Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ trên trang facebok cá nhân: “Hạnh phúc vỡ òa trong niềm vui sướng của cả thầy và trò trong buổi khai lò bếp ủ trấu cấp nước nóng cho học sinh. Vậy là những trăn trở suốt bao nhiêu năm là làm thế nào có đủ nước nóng cho các con dùng trong mùa đông rét cắt da cắt thịt. Ước mơ ấp ủ bao nhiêu năm, giờ đã thành hiện thực. Tôi từng nhiều lần tham khảo mô hình đun nồi hơi của bộ đội biên phòng hay ý tưởng đun bếp than, dùng đá nóng…nhưng không khả thi. Cuối cùng cũng có hệ thống bếp ủ trấu tuyệt vời này”.

Cô giáo Tâm chia sẻ thêm: “Ở vùng cao huyện Mèo Vạc, để có nước nóng dùng cho các con trong cái giá rét luôn dưới 10 độ của miền cao nguyên đá là cả một vấn đề, bởi dùng điện để đun nước nóng cho 300 học sinh thì chi phí một tháng là quá lớn, còn bình sử dụng năng lượng mặt trời nhà trường đã thử dùng nhưng không khả thi vì mùa đông cao nguyên không mấy khi trời hửng nắng, lúc nào cũng âm u mây mù. Xin được cảm ơn thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT huyện Bát Xát đã chia sẻ ý tưởng và công nghệ bếp ủ trấu cho trường dân tộc nội trú Mèo Vạc để thực hiện công trình ý nghĩa này. Bước vào năm học mới, thầy - trò nhà trường chỉ biết nói rằng rất vui sướng và hạnh phúc”.

Thầy giáo Vũ Xuân Quế với mô hình bếp đun nước nóng công suất lớn cho học sinh bán trú.
Thầy giáo Vũ Xuân Quế với mô hình bếp đun nước nóng công suất lớn cho học sinh bán trú.

Bên chiếc bếp lò mới xây, vặn vòi nước chảy ra nóng bỏng tay bốc hơi nghi ngút, thầy giáo Vũ Xuân Quế tươi cười “bật mí”: Thấy thầy - trò các trường vùng cao có đủ nước nóng dùng trong mùa đông giá lạnh tôi cũng hạnh phúc vô cùng, bởi những gì mình sáng tạo ra đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh vùng cao. Hệ thống bếp lò ủ trấu công suất lớn đun nước nóng do tôi thiết kế gồm có 3 bếp lò đun trấu đã được cải tiến lõi bếp và khay trấu. Điểm mới của sản phẩm là hệ thống sử dụng công nghệ ủ giữ nhiệt giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp, không phải bố trí người trông coi trực tiếp quá trình đun nước, đặc biệt đun nước nóng dùng 24/24 giờ. Mỗi ngày các em học sinh chỉ sử dụng 12 - 14 bao trấu đun bếp (khoảng 40.000 đồng) nhưng đun được khoảng 4.000 lít nước nóng, đạt nhiệt độ 65 độ C, đủ cho 300 học sinh tắm và sinh hoạt, đồng thời tiết kiệm được 3 - 5 triệu đồng tiền điện/tháng cho nhà trường. Kinh phí làm hệ thống bếp này chỉ khoảng 20-30 triệu đồng, sau một năm chỉ cần thay lõi bếp mất 1,5 triệu đồng, nên đây là giải pháp tiết kiệm và khả thi với trường học vùng cao.

Sáng tạo từ kỷ niệm tuổi thơ                                                                                                         

Vậy điều gì đã thôi thúc thầy giáo trẻ Vũ Xuân Quế sáng tạo ra hệ thống bếp lò đun nước nóng công suất lớn nhiều tiện ích như vậy? Nhớ lại cách đây tròn 1 năm tôi có chuyến công tác đến Trường THCS và THPT Bát Xát. Ngôi trường nhỏ nằm trên đỉnh đồi, gió lúc nào cũng thổi từ thung lũng suối Mường Hum lên lạnh thấu xương. Mùa đông, ngoài gió lộng thì nơi đây cũng chìm trong biển sương mù dày đặc, nhiệt độ có thời điểm giảm xuống dưới 10 độ C.             

Nhờ sáng tạo của thầy Quế mà hàng nghìn học sinh vùng cao Lào Cai đã có nước nóng tắm rửa trong mùa đông giá lạnh.
Nhờ sáng tạo của thầy Quế mà hàng nghìn học sinh vùng cao Lào Cai đã có nước nóng tắm rửa trong mùa đông giá lạnh.

 Trường THCS và THPT Bát Xát có trên 500 học sinh, trong đó có 300 học sinh ở các xã vùng cao xa xôi xuống đây ở bán trú tại trường để thuận tiện cho học tập. Theo các em học sinh thì khó khăn lớn nhất đó là vào mùa đông giá lạnh không đủ nước nóng để tắm rửa và sinh hoạt. Để có nước nóng tắm, các em phải tranh thủ hôm nào nghỉ học lên rừng lấy củi về đun nước. Nhưng củi cũng không có nhiều, nên không ít học sinh phải “nhịn tắm” đến cuối tuần về nhà mới có nước nóng để tắm cho thỏa thích. Nhờ có hệ thống bếp đun trấu công suất lớn của thầy Vũ Xuân Quế mà mùa đông năm đó học sinh bán trú của trường đã có nước nóng tắm, không còn lo lắng khi mùa đông đến.

Thầy giáo Vũ Xuân Quế chia sẻ: Các em học sinh học THCS, THPT đều đã đến tuổi trưởng thành, nên nhu cầu tắm rửa, vệ sinh cá nhân là rất cần thiết, đặc biệt là trong mùa đông giá lạnh. Mùa đông trên này rét buốt có khi cả tháng không nhìn thấy mặt trời, là cán bộ quản lý trường, nhìn các em không đủ nước nóng để tắm tôi không đành lòng. Từ đó, tôi quyết tâm chế tạo hệ thống bếp lò đun nước nóng tiện ích nhất phục vụ nhu cầu của học sinh. Cách đây 5 năm, khi còn là giáo viên dạy môn Vật lý tại một trường THPT ở huyện Văn Bàn, tôi đã hướng dẫn học trò thực hiện đề tài nghiên cứu tận dụng nhiệt thừa khi nấu ăn làm bình nóng lạnh theo nguyên tắc đối lưu. Tuy nhiên, hạn chế của sản phẩm này là lượng nước đun được ít và phải luôn có người ngồi đun bếp, trong khi các em học sinh phải lên lớp học.

Tro từ bếp trấu được dùng để ủ phân bón cho vườn rau xanh phục vụ học sinh bán trú.
Tro từ bếp trấu được dùng để ủ phân bón cho vườn rau xanh phục vụ học sinh bán trú.

Tôi nhớ lại ngày còn nhỏ gia đình tôi nuôi cả đàn lợn to, để đun cám lợn chín nhanh, bố mẹ tôi thường cho trấu ủ vào trong bếp lò giúp bếp giữ nhiệt được lâu hơn. Khi đó chỉ cần một lượng trấu nhỏ mà sau 1 đêm đã có thể đun chín nhừ nồi cám to tới 30 -50 lít nước. Từ đó, tôi nghiên cứu các hệ thống bếp đun tiết kiệm nhiên liệu đã có và sáng tạo, cải tiến thành hệ thống bếp lò đun nước nóng công suất lớn. Với hệ thống bếp này, lưu lượng nước từ bể lạnh qua bếp ủ có thể điều chỉnh qua máy bơm giúp tăng, giảm nhiệt độ nước nóng. Bếp này cũng không cần phải có người ngồi đun thường xuyên mà vẫn có thể đun nước nóng 24/24 giờ. Năm 2020, tôi tiếp tục cải tiến hệ thống bếp lò để có thể tiết kiệm tối đa nhiệt lượng và nâng cao độ bền của lõi bếp.

Tiếp tục hành trình xây bếp lò cho học sinh vùng cao                               

Trở lại câu chuyện tại Trường THPT số 3 Mường Khương, đây là đơn vị trường có đông học sinh bán trú, nhưng điều kiện khó khăn còn hơn cả ngôi trường mà thầy Vũ Xuân Quế công tác. Vì thế, khi nghe trường bạn chia sẻ khó khăn, thầy Vũ Xuân Quế đã không ngần ngại cùng một số thầy giáo của trường sang tận nơi và xắn tay áo xây giúp Trường THPT số 3 Mường Khương hệ thống bếp đun nước nóng cho học sinh. Nhìn thầy Hiệu trưởng một trường học cầm dao xây bếp lò thoăn thoắt, cầm mỏ hàn như một người thợ lành nghề, ai cũng trầm trồ nể phục.

Thầy Quế trực tiếp xây bếp và chuyển giao công nghệ bếp đun nước nóng cho các trường học vùng cao.
Thầy Quế trực tiếp xây bếp và chuyển giao công nghệ bếp đun nước nóng cho các trường học vùng cao.

Từ đầu mùa đông năm nay, Trường THCS và THPT Bát Xát liên tục được đón những đoàn khách là cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trong và ngoài tỉnh đến thăm, học hỏi kinh nghiệm xây hệ thống bếp đun nước nóng. Có những trường học xa xôi tận tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn cũng vượt đường xa đến nhờ thầy Quế tư vấn, hướng dẫn xây bếp lò. Thầy Vũ Xuân Quế lại tận tình giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các trường. Ngoài công việc quản lý rất bận rộn ở trường, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh lại miệt mài chế tạo bếp và cùng các thầy, cô giáo, học trò đến tư vấn, xây lắp cho các trường học vùng cao của tỉnh. Nhờ hệ thống bếp này, hơn 20  trường tiểu học, THCS ở các xã Dền Sáng, Dền Thàng, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, A Mú Sung, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát, Trường THPT số 3 Mường Khương với hàng nghìn học sinh đã có nước nóng để tắm và sinh hoạt trong mùa đông giá lạnh. Năm 2021, thầy giáo Vũ Xuân Quế được Báo Giáo dục và Thời đại chọn là nhân vật tiêu biểu duy nhất trong cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác".

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, thầy Quế bảo sẽ tiếp tục lắp hệ thống bếp đun nước nóng cho các trường ở xã: Bản Xèo, Nậm Pung (huyện Bát Xát), một số trường học ở huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa và các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang… Là thầy giáo Vật lý rất đam mê sáng tạo và cống hiến vì cộng đồng, là một Hiệu trưởng nhà trường nhưng anh không cảm thấy vất vả với công việc này mà coi đó như một niềm vui trong sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao. Khi được hỏi điều gì đã giúp anh có động lực để làm công việc ý nghĩa này, thầy giáo Vũ Xuân Quế bảo sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta “Học đi đôi với hành”, mình là đảng viên, thầy giáo, là cán bộ quản lý nhà trường, càng cần phải gương mẫu học và làm theo lời Bác Hồ để học trò noi theo.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên trong ánh ban mai.

Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Bảo Yên (22/4/1947 - 22/4/2024) Bảo Yên: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện

Để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong năm 2024 tăng tốc, Đảng bộ huyện Bảo Yên đã xác định vận dụng sáng tạo 5 phương thức lãnh đạo của Đảng vào thực tiễn.

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Si Ma Cai chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên

Si Ma Cai chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là những hạt nhân trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân. Huyện Si Ma Cai luôn quan tâm xây dựng đội ngũ này đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng.

Bác bỏ luận điệu phủ nhận lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Bác bỏ luận điệu phủ nhận lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị đưa ra nhiều luận thuyết, quan điểm khác nhau tiến công Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ, giữ vững bản chất khoa học, cách mạng lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong tình hình hiện nay có ý nghĩa cấp thiết.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

fb yt zl tw