>>>Bài 2: Chị Sủi hết lòng vì dân
>>>Bài 1: “Hạt cát vàng” bên suối Làng Kim
“Say Sán Phìn là thôn điển hình nhất về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và là lá cờ đầu về vệ sinh môi trường nông thôn của xã Mản Thẩn đấy. Người được bà con tín nhiệm làm “chim đầu đàn” dẫn đường cho nhân dân trong các phong trào, cũng là một điển hình về học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ là Trưởng thôn người Mông Lừu Thề Pao” - Anh Giàng Seo Chùa, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn (Si Ma Cai) tự hào giới thiệu với chúng tôi.
Thủ lĩnh “vương quốc” bắp cải
Từ trung tâm huyện Si Ma Cai, chúng tôi ngược dốc lên thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn vào một ngày đầu đông. Nhắc đến Say Sán Phìn, người dân Mản Thẩn và Si Ma Cai không thể quên mảnh đất này cách đây 20 năm vẫn là thủ phủ của cây thuốc phiện. Say Sán Phìn nằm trên đỉnh núi quanh năm sương mù, chẳng khác gì một “ốc đảo” biệt lập với trung tâm xã Mản Thẩn, vì đường đi lại khó khăn. Nghe các cụ già ở Mản Thẩn kể lại, ngày đó thôn chỉ có vài người nghiện thuốc phiện, nhưng diện tích cây thuốc phiện thì nhiều nhất xã. Người ta trồng thuốc phiện thành từng nương, gieo như gieo ngô, chẳng cần chăm bón gì mà cây cứ tốt bời bời, trổ hoa tím, hoa hồng khắp các sườn núi. Vùng đất này giờ không còn cây thuốc phiện, thay vào đó là những nương rau xanh mướt. Người ta gọi Say Sán Phìn là “vương quốc” bắp cải ở Si Ma Cai kể cũng đúng, vì hầu hết bắp cải ở đây là nguồn cung cấp rau cho cả huyện. Trên nương bắp cải, Trưởng thôn Say Sán Phìn Lù Thề Pao đi ủng dính đầy bùn với bộ quần áo lao động lấm lem đất cát, cùng một thanh niên đang tỉ mẩn vạch từng chiếc lá để kiểm tra “sức khỏe” vườn rau.
![]() |
Trưởng thôn Lù Thề Pao (phải ảnh) cùng khuyến nông viên kiểm tra vườn rau bắp cải. |
Trưởng thôn Lù Thề Pao chia sẻ: Đúng là trước kia đồng bào Mông chỉ trồng cây thuốc phiện, gây ra nỗi ám ảnh cho bao người. Sau đó, người dân không trồng nữa nhưng đời sống vẫn đói nghèo triền miên. Trên này lạnh giá, lúa ngô chỉ trồng được 1 vụ, bà con đã quen trồng giống lúa địa phương năng suất thấp nên chẳng đủ ăn. Khi mới làm trưởng thôn, mình cũng không biết làm thế nào giúp bà con thoát nghèo được. Ngày ấy, bà con trong thôn trồng nhiều loại rau xanh để ăn, nhờ đất tốt, khí hậu thuận lợi nên hạt rau cải rơi vãi đâu cũng mọc xanh tốt. Giống rau bắp cải trồng trên đất Say Sán Phìn cây to, bắp cuốn chặt, ăn vừa giòn, vừa ngọt nên người dân dưới huyện thích lắm lên tận thôn tìm mua. Từ năm 2005 trở đi, mình cùng với một số hộ tiên phong trồng rau bắp cải trên đất nương, đồng thời tích cực vận động bà con trồng bắp cải để bán. Mới đầu chỉ vài nhà trồng, rồi thấy bắp cải được giá, người dân tận dụng đất trong thung lũng, trên sườn núi đá để trồng, làm cho diện tích bắp cải ngày càng mở rộng. Năm 2012, cả thôn có 8ha bắp cải. Bây giờ diện tích bắp cải lên tới 13 ha. Tính cả các loại rau xanh khác như cải củ, su hào, xà lách… lên tới 15 ha. Say Sán Phìn trở thành “ vựa rau” lớn nhất xã Mản Thẩn và đứng đầu các thôn, bản ở Si Ma Cai.
Đứng giữa nương bắp cải xanh mướt của gia đình rộng đến gần 1 ha, những cây bắp cải nhìn như hàng ngàn bánh xe xanh đang lăn lên tận lưng đồi, Trưởng thôn Lừu Thề Pao nhẩm tính bán rẻ mỗi cây cũng được 5.000 đồng. Cả nương bắp cải vụ này sẽ cho thu hoạch không dưới 30 triệu đồng. Bên cạnh Pao, chàng thanh niên người Mông tên Lừu Seo Vảng là cộng tác viên khuyến nông của thôn cũng vui vẻ cho biết: Mô hình rau bắp cải ở thôn Say Sán Phìn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên rau ít sâu bệnh, nhân dân biết chăm sóc rau đúng kỹ thuật nên nhanh cho thu hoạch. Các hộ: Lừu Mí Lùng, Lừu Seo Chư, Lừu Seo Áo, Lừu Seo Páo…riêng bán rau mỗi năm đã thu về 40 -50 triệu đồng. Còn thu nhập từ 20 - 30 triệu/năm từ bán rau thì có gần 20 hộ. Say Sán Phìn có 41 hộ dân tộc Mông, năm nào ít nhất cũng có 3 - 4 hộ thoát nghèo, hiện nay cả thôn chỉ còn 9 hộ nghèo. Vấn đề hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho cây bắp cải và các loại rau khác để người dân đỡ lo, vì sản xuất ra nhiều nhưng giá rau cuối vụ không cao.
“Lá cờ đầu” về xây dựng nông thôn mới
Năm 2014, trong các thôn, bản của xã Mản Thẩn thì Say Sán Phìn là thôn đầu tiên hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngay cả đối với những thôn, bản vùng thấp trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ở một thôn nằm chênh vênh trên đỉnh núi quanh năm lạnh giá ở xã vùng cao Mản Thẩn với 100% đồng bào dân tộc Mông, điều này giống như một kỳ tích ít người tin nổi. Tôi hỏi: Ai là người đã cắm lá cờ đầu trên đỉnh núi mù sương này về phong trào vệ sinh môi trường? Chủ tịch xã Mản Thẩn Giàng Seo Chùa bảo người tiên phong chính là Trưởng thôn Lừu Thề Pao.
Trong câu chuyện với tôi, anh Pao khoe: Hiện, gần 100% hộ dân của thôn đã có nhà tiêu hợp vệ sinh, tất cả các hộ đều làm chuồng gia súc xa nhà. Ngày trước, bà con thường vứt rác ra xung quanh nhà, còn bây giờ cứ 3 hộ ở sát nhau có một thùng đựng rác chung và tự bảo nhau phải bỏ rác vào thùng, khi đầy thì đem đi xử lý. Cứ vào ngày thứ 7 hằng tuần là tất cả các hộ dân, từ trẻ con đến người già cùng “ra quân” dọn dẹp vệ sinh quanh nhà và vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, tuyến đường trục thôn Say Sán Phìn đã được bê tông hóa gần 4 km. Có đường đẹp, bà con tự hào lắm, nhà nào cũng tích cực quét dọn cho đoạn đường đi qua nhà mình thật sạch. Nghe Trưởng thôn Lừu Thề Pao say sưa kể những kết quả trong công tác vệ sinh môi trường của thôn mà tôi cũng thấy vui lây. Lừu Thề Pao bảo đó là sự nỗ lực cố gắng của toàn thể nhân dân, chứ một mình trưởng thôn cũng chẳng làm được gì. Anh không muốn nói về mình nên bảo vậy, chứ ở Say Sán Phìn ai cũng biết rằng đằng sau thành tích của thôn luôn có những đóng góp và vai trò không thể thiếu của vị Trưởng thôn “nói đi đôi với làm” và “nói ít làm nhiều” theo lời Bác dạy.
“Duyên nợ” với chức trưởng thôn
Nhớ lại câu chuyện cách đây gần 3 năm, hồi ấy Lừu Thề Pao viết đơn xin “từ chức” khiến cả thôn Say Sán Phìn và lãnh đạo xã Mản Thẩn “giật mình” vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với anh. Sau khi nộp đơn lên xã, Lừu Thề Pao nói anh đã suy nghĩ kỹ, để nghiêm túc tự phê bình bản thân xem mình đã giúp dân được nhiều việc chưa và quyết định mình nên dừng lại để nhường trọng trách trưởng thôn cho người khác làm tốt hơn gánh vác. Trước thái độ kiên quyết của anh, lãnh đạo xã Mản Thẩn đành chấp nhận và cùng bà con thôn Say Sán Phìn tìm một người khác trong thôn thay thế anh. Câu chuyện nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng có gì đáng nói. 2 năm sau, một lần nữa bà con thôn Say Sán Phìn lại phải tổ chức cuộc họp để tìm trưởng thôn mới, vì trưởng thôn lúc đó chuyển khẩu theo gia đình sang định cư bên tỉnh Hà Giang. Ai sẽ là trưởng thôn tiếp theo? Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Lừu Thề Pao đang ngồi. Đến lúc này, không thể phụ sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con và của lãnh đạo xã, Lừu Thề Pao nắm chặt tay đứng lên nhận trọng trách. Lần “tái cử” này với anh trách nhiệm còn nặng nề hơn trước nhiều lần vì thôn đang trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, công việc còn bộn bề. Từ năm 2012 đến nay, với sự cố gắng không ngừng, cùng với các đoàn thể và nhân dân trong thôn, Trưởng thôn Lừu Thề Pao đã và đang tiếp tục mang lại nhiều sự khởi sắc cho Say Sán Phìn. Công việc thì kể không hết, nào là đổ đường bê tông đường, xây nhà văn hóa, đổ bê tông sân phân hiệu trường mầm non, tiểu học, rồi lại xây cổng thôn văn hóa, rồi lại lặn lội xuống từng hộ dân vận động bà con di chuyển chuồng gia súc ra xa nhà, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hố rác…Anh cứ như “con thoi” lúc nào cũng tất bật với công việc chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Trong 3 năm qua, Say Sán Phìn liên tục giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa tiêu biểu” và trở thành điểm sáng về phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã Mản Thẩn và huyện Si Ma Cai. “Cánh chim đầu đàn” trên núi Say Sán Phìn vẫn lặng lẽ, miệt mài ngày đêm giúp đồng bào vùng cao nơi đây xây dựng quê hương thêm giàu đẹp và biến ước mơ đổi đời trở thành hiện thực.
Lúc chia tay Lừu Thề Pao, tôi hỏi động lực nào để anh luôn hăng say, hoàn thành tốt nhiệm vụ như vậy? Lừu Thề Pao tâm sự: “Trong cuộc sống cũng như công việc, mình luôn lấy tấm gương của Bác Hồ để học tập, noi theo và tuyên truyền cho bà con, dạy con cháu trong gia đình, dòng họ cũng phải làm như thế. Bác làm được nhiều việc to lớn cho dân tộc, mình không giỏi như Bác, thì cố gắng làm tốt những việc nhỏ giúp cho dân bản trên đỉnh núi này, nơi mình sinh ra và lớn lên”.