Huyện Bắc Hà có 84,8% dân số là người dân tộc thiểu số. Ở một số nơi vẫn tồn tại nhiều hủ tục, trong đó có tảo hôn và tình trạng phụ nữ sinh con trước 18 tuổi. Để giảm thiểu tình trạng này, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là phụ nữ trong việc cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Bắc Hà là do nhiều người vẫn còn suy nghĩ phải sinh bằng được con trai và sinh nhiều con để có thêm lao động. Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển cũng kéo theo nhiều hệ luỵ, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, các em ở độ tuổi mới lớn có thể truy cập vào các trang mạng mang yếu tố độc hại; cùng với đó, các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm, quản lý con em mình, dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra.
Tại xã Bản Phố, để dần loại bỏ tảo hôn ra khỏi đời sống người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và các quy định, chính sách liên quan đến hôn nhân, bình đẳng giới. Nhờ đó, trong năm 2024, xã Bản Phố không ghi nhận trường hợp tảo hôn, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết: Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã phối hợp với các trường học tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những hệ lụy khi phụ nữ sinh con trước 18 tuổi. Nhờ đó, Bản Phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Còn tại xã Lùng Cải - nơi có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (đa phần là người Mông, Phù Lá), đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều, dẫn đến tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà còn cao.
Theo thống kê, năm 2023, toàn xã có 82 phụ nữ sinh con, trong đó có 42 trường hợp sinh con tại nhà. Việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Trước thực trạng này, Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà đã thành lập mô hình “Giảm thiểu tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà” trên địa bàn xã Lùng Cải nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Ngay sau khi thành lập, các thành viên mô hình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn, bản trên địa bàn nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, chủ động đến các cơ sở y tế để sinh con nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà ở xã Lùng Cải chỉ còn 26,53%, giảm 24,67% so với năm trước.
Thời gian qua, huyện Bắc Hà đã tổ chức hơn 3.800 buổi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi, thu hút trên 119.000 người tham gia; tổ chức cho đoàn viên, hội viên, phụ nữ ký cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nhờ đó, số vụ tảo hôn trên địa bàn huyện giảm theo các năm, cụ thể: năm 2020, toàn huyện có 75 trường hợp; năm 2021 giảm còn 43 trường hợp; năm 2022 còn 23 trường hợp; năm 2023 còn 9 trường hợp và 9 tháng năm 2024 chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Từ những nỗ lực đó, nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ đã có sự thay đổi về nhận thức trong phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Chị Đặng Thị Lành, thôn Hà Tiên, xã Cốc Lầu cho biết: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của phụ nữ và người con sinh ra. Năm nay, con tôi học lớp 11. Gia đình đã thống nhất tạo mọi điều kiện để con được đi học và có việc làm ổn định, sau đó mới tính chuyện kết hôn.
Với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi, mở các lớp tập huấn cho cán bộ hội phụ nữ ở thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.