Khi cùng các đồng nghiệp thăm phòng truyền thống, những bức ảnh và kỷ vật ở đây khiến chúng tôi cảm thấy xúc động, tự hào. Qua những hồi tưởng mà bà Vũ Thị Hồng Quý đã chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng được gặp Bác là một thời khắc đẹp. Từ đó, thế hệ của bà, những người con nơi mảnh đất biên cương đã kiên cường và đoàn kết làm nên sức mạnh, chung sức dựng xây quê hương. Và câu chuyện về cuộc đời của bà là minh chứng về lòng yêu nước và tinh thần vượt khó, lao động hăng say...
Sinh năm 1940, tại khu Trần Hợp, Lào Cai, cuộc đời bà trải qua không ít thăng trầm. Bố mẹ bà bị bắt cóc lên Lào Cai, bị bán rồi đi ở, khi bà chào đời chưa được bao lâu thì bố qua đời, để lại hai mẹ con đối mặt với bao nhọc nhằn, gian khó.
Vượt lên hoàn cảnh, bà quyết tâm theo học để mang lại kiến thức cho bản thân và góp phần vào sự phát triển của đất nước, quê hương. Năm 1957, bà tham gia phong trào xây dựng xã hội chủ nghĩa và gia nhập lớp công nhân đầu tiên của Nhà máy Điện Lào Cai. Ban đầu, bà cùng đồng nghiệp vừa học, vừa làm, trở thành một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà máy Điện Lào Cai (tiền thân của Công ty Điện lực Lào Cai ngày nay).
Ngày 24/9/1958 đánh dấu sự kiện quan trọng trong cuộc đời của bà Quý, đó là ngày bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo giản dị, sự gần gũi của vị lãnh tụ đối với mọi người đã khiến những người được gặp Bác ngập tràn cảm xúc. Sự kiện đó đã truyền cảm hứng và động viên tinh thần những công nhân tại Nhà máy Điện Lào Cai lúc ấy. Bà Quý kể: “Lúc Bác đến, tất cả đều bất ngờ, mọi người lặng đi vì xúc động, sau đó tất cả vỡ òa trong cảm xúc và cùng nhau hô vang: Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, muôn năm…”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạm đến trái tim của mọi người: “Các cô, các chú phải đoàn kết, hăng hái thi đua, sản xuất ra thật nhiều điện để xây dựng quê hương Lào Cai giàu đẹp và kiến thiết nước nhà”, đó là lời căn dặn của Bác mà bà mãi khắc ghi, để bà nỗ lực sau này.
Năm 1960, bà được cử đi học lớp đo lường tại Hà Nội, sau đó quay trở lại làm việc tại phân xưởng thí nghiệm. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bà Quý cũng tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào tại nhà máy, bức ảnh trong phòng truyền thống là một trong số những hoạt động mà bà tham gia hồi ấy.
Năm 1962, bà đã kết hôn với ông Nguyễn Văn Quyên - một người thợ lò và cũng là đồng nghiệp của bà tại Nhà máy Điện Lào Cai khi đó. Cuộc sống thật vất vả với việc chăm lo cho mẹ già và đàn con nhỏ trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhưng ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, vợ chồng bà Quý luôn cố gắng nuôi dạy các con trở thành những người có ích cho xã hội, xây dựng quê hương Lào Cai giàu đẹp.
Đến nay, các con của ông bà đều đã trưởng thành và đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số đó, có người làm ở lực lượng vũ trang, người làm công chức nhà nước, có người tiếp tục theo nghiệp cha mẹ. Tiếp nối truyền thống, các cháu của ông bà cũng học giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi và được tuyển thẳng vào các trường đại học; có người được kết nạp Đảng khi đang ở lứa tuổi hai mươi…
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, nhiều năm vợ chồng bà Quý đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, được tặng thưởng huân chương, huy chương lao động, huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển điện lực Việt Nam…
Nhà máy Điện Lào Cai (Công ty Điện lực Lào Cai) phát triển như ngày nay có sự đóng góp của những người đầu tiên đặt nền móng như bà Vũ Thị Hồng Quý. Tinh thần và khát vọng của các thế hệ đi trước đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho lớp lớp thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện Lào Cai phát huy tinh thần đoàn kết, vì an ninh năng lượng, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.