Trò chuyện với tôi, một chị bạn mặt rầu rĩ than thở rằng, con mới vào lớp 1 mà hôm nào cũng phải gần 23 giờ mới được đi ngủ. Chẳng phải con mải chơi hay ham xem ti vi khuya mà do phải làm nhiều bài tập về nhà.
Ngày nào cũng vậy, 7 giờ 30 phút con đi học, 17 giờ mới về đến nhà. Sinh hoạt cá nhân, ăn uống xong xuôi, đến 20 giờ là con phải ngồi vào bàn học. Mọi việc phải hết sức khẩn trương, nhiều khi bố mẹ chẳng kịp hỏi chuyện đã phải đôn đốc con ngồi vào bàn học. Lịch trình cứ thế xoay đều như đèn cù. Buổi tối, con phải làm nhiều loại bài tập.
Nào là Tập viết, làm Toán, bài tập tiếng Anh, bài tập Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm. Mỗi ngày, có từ 3 đến 4 môn học thì tương ứng có bài tập đi kèm, chưa kể các bài như luyện đọc tăng cường, Tập viết tăng cường, tiếng Anh nâng cao. Các yêu cầu hoàn thành bài tập giáo viên nhắn trong nhóm Zalo chung cả lớp để phụ huynh nhắc con làm.
Do vậy, bài tập về nhà không chỉ là gánh nặng đối với học sinh mà phụ huynh cũng bị áp lực. Hôm sau, nội dung nào học sinh chưa hoàn thành, giáo viên ghi trực tiếp vào vở và nhắn trên nhóm Zalo nhắc nhở phụ huynh nhắc con làm đủ bài tập. Dù đã cố gắng “tăng ca” làm bài vào buổi tối nhưng đến thứ bảy, chủ nhật, con vẫn phải tranh thủ hoàn thành các bài tập giáo viên giao.
Câu chuyện trên của chị bạn tôi cũng giống chuyện của nhiều gia đình có con học lớp 1. Mỗi cháu phải mua một bộ sách giáo khoa bổ trợ lớp 1 gồm 20 quyển. Mọi người chia sẻ “kịch bản” chung là mỗi tối phải dành vài giờ để kèm và giúp con làm bài tập về nhà. Những lời đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí là quát mắng vẫn thường diễn ra. Thế nên, việc học của con trở nên căng thẳng và đầy áp lực đối với cả cha mẹ.
Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Đối với lớp 1, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai thực hiện. Để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường và giáo viên triển khai hiệu quả, ngày 5-1-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Văn bản quy định là vậy, nhưng trên thực tế, học sinh vẫn phải cặm cụi hoàn thành các bài tập về nhà theo yêu cầu của giáo viên. Lý giải về việc này, giáo viên cho rằng, chương trình mới dung lượng nhiều, thời gian ít nên phải giao bài về nhà mới bảo đảm hoàn thành các nội dung. Thêm nữa, học sinh đã vào trường chuẩn quốc gia thì yêu cầu phải cao hơn, việc học cũng nặng hơn để giữ thành tích của lớp, của trường.
Nhìn từ góc độ tâm sinh lý, học sinh lớp 1 chuyển từ môi trường mầm non vào tiểu học đang háo hức tìm hiểu, khám phá. Nếu việc học trở thành niềm yêu thích sẽ khuyến khích trẻ tích cực học tập, tiếp thu tốt các nội dung. Ngược lại, việc học nặng nề, căng thẳng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của trẻ. Học sinh dễ nảy sinh tâm lý sợ học, ngại đến trường.
Đối với con trẻ, ngoài việc học, các em cần có thời gian vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, giao tiếp xã hội, những kỹ năng cần thiết. Thế nên nhà trường, giáo viên cần tính toán hợp lý nhằm giúp học sinh cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác, không giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi trên lớp. Có như vậy, các em mới không cảm thấy căng thẳng trong học tập, để mỗi ngày đến trường cũng như khi về nhà đều là ngày vui.