Mức sống của người dân Anh đang ở vị trí “cuối bảng xếp hạng” so với hầu hết các quốc gia phát triển do tăng trưởng tiền lương chậm chạp không đủ bù đắp cho những tác động đến từ mức thuế và thế chấp cao.
Theo số liệu được Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) của Anh công bố ngày 31/5, khi so sánh số liệu trong giai đoạn 2009-2010 và 2022-2023, thu nhập khả dụng trung bình của người lao động Anh chỉ tăng 6%, bất chấp tốc độ tăng trưởng việc làm cao và thuế đối với người thu nhập trung bình đã giảm đáng kể.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tăng trưởng tiền lương chậm chạp. So với năm tài chính 2009-2010, thu nhập trung bình trong năm 2023-2024 chỉ tăng 3,5% sau khi trừ lạm phát. Trong khi ở giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân Anh chỉ cần chưa đầy 2 năm để thu nhập đạt mức tăng trưởng này.
Trong số 14 quốc gia được IFS thu thập dữ liệu để nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động Anh trong giai đoạn 2007-2019 chỉ bằng một nửa so với con số 12% ở Mỹ, kém xa so mức tăng 16% ở Đức và chỉ hơn so với tốc độ tăng trưởng thu nhập của những người dân đang ở trong tuổi lao động ở Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
IFS cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiền lương tại Anh nhanh hơn lạm phát, nhưng thu nhập khả dụng của một hộ gia đình thông thường hầu như không thay đổi kể từ năm 2019. Điều này là do các khoản thanh toán thế chấp tăng kết hợp với mức thuế gần đây đã tăng đối với một số nhóm và việc làm suy yếu.
Theo ông Tom Waters, Phó Giám đốc IFS, sau khi đạt mức tăng trưởng thu nhập của người lao động mạnh nhất trong giai đoạn 12 năm tính đến năm 2007, Anh hiện đã tụt xuống cuối bảng xếp hạng. Tăng trưởng thu nhập về cơ bản diễn ra chậm đối với tất cả mọi người, bao gồm người giàu và nghèo, người già và trẻ.
Đáng chú ý, khi so sánh giữa hai năm tài chính 2009-2010 và 2022-2023, do chịu mức thuế cao, tăng trưởng thu nhập của nhóm các hộ gia đình có mức thu nhập cao thậm chí còn kém hơn nhóm hộ gia đình có mức thu nhập trung bình.