Gia đình anh Sểnh vừa phải trải qua tai họa do thiên tai. Trong trận mưa lớn hồi đầu tháng 8 vừa qua, ngôi nhà của gia đình anh bị taluy dương sạt lở, vùi lấp hoàn toàn. Con trai anh không may mắn bị tử vong. Thiên tai ập đến bất ngờ khiến 7 người trong gia đình anh Sểnh không kịp trở tay, phút chốc bỗng phải ở trong cảnh “màn trời, chiếu đất” và còn mất đi người thân.
Chia sẻ với nỗi đau của gia đình anh Sểnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, đứng đầu là Bí thư Chi bộ Chảo Lá Lở, các ban, ngành đoàn thể, đảng viên của thôn đã đến thăm hỏi, động viên, đồng thời huy động lực lượng dân quân và người dân trong thôn giúp đỡ gia đình anh Sểnh khắc phục hậu quả, di chuyển đến nhà văn hóa thôn để ở tạm. Bà con còn giúp đỡ một phần tiền, hiện vật, ngày công để xây căn nhà mới cho gia đình anh ở vị trí an toàn hơn.
Đứng bên ngôi nhà đang xây mới, anh Sểnh xúc động nói: Trong hoạn nạn, gia đình tôi được Bí thư Chi bộ Lở, các đảng viên và bà con trợ giúp rất nhiều. Nhà bị sập, con trai mất quá đột ngột, lúc đó gia đình chỉ biết kêu gào xót thương người thân và ôm nhau trong sợ hãi… Nói đến đây, anh Sểnh nghẹn lại, quay đi giấu giọt nước mắt lăn dài.
Không chỉ anh Sểnh mà tất cả những ai có mặt ngày hôm đó đều vô cùng biết ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ Chảo Láo Lở và những người đảng viên trong thôn. Mặc dù trời tiếp tục có mưa lớn, nhưng họ vẫn xoay trần cùng người dân dầm mình trong mưa gió để dỡ bỏ ngôi nhà và lớp đất đá tìm cháu bé tử nạn và di chuyển đồ đạc còn sót lại của gia đình đến nơi an toàn.
Nghe người dân nhắc đến mình và các đảng viên với sự hàm ơn, ông Lở xua tay: Đó là chuyện nên làm, là trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng với nhau, huống hồ mình còn là đảng viên, là bí thư chi bộ phải làm gương, đi đầu trong mọi công việc để người dân tin theo. Ở vùng cao này, niềm tin không được đánh giá bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể, thật ý nghĩa với cộng đồng.
Nghĩ vậy, nên hơn 20 năm qua với vai trò là đảng viên, là trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ, ngoài việc đưa ra chủ trương, xây dựng các nghị quyết lãnh đạo chi bộ thực hiện, ông Lở đều là người đi trước, làm trước, thậm chí còn giành phần làm việc nhiều và làm khó hơn những người khác.
Ví như trong phong trào xây dựng nông thôn mới chẳng hạn. Năm ngoái, bà con trong thôn góp được hơn 60 triệu đồng để cùng nhau đổ bê tông đường nội thôn. Với ngôi làng có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, thì đó quả là một số tiền rất lớn. Tuy nhiên, khi Bí thư Chi bộ Chảo Láo Lở triển khai chủ trương của cấp trên, bà con đều đồng lòng thực hiện. Bởi lẽ chính bản thân ông Lở là người đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thôn. Ông từng hiến mảnh đất mình đang ở giữa trung tâm thôn với hơn 1.000 m2 đất để xây trường học, còn gia đình chuyển đến cuối thôn, đường đi xa và khó khăn hơn.
Sinh sống giữa đại ngàn, nên trước đây, cuộc sống của bà con Nậm Trà chủ yếu dựa vào núi rừng. Nhiều năm trở về trước, người dân còn có tập quán đốt rừng làm nương rẫy, săn bắn động vật hoang dã… Được tham gia các lớp tập huấn của ngành kiểm lâm, ông Lở thêm hiểu tầm quan trọng của rừng. Ông đã họp bàn với bà con trong thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Trong hương ước, bà con thống nhất không đốt rừng làm nương, người dân sẽ cùng chia nhau đóng góp ngày công tuần tra, bảo vệ rừng. Vào mùa khô dễ xảy ra cháy, ông phân công người dân thường xuyên túc trực ngoài rừng để đề phòng cháy rừng. Kể từ đó, màu xanh của rừng trải dài trên khắp vùng Nậm Trà.
Giữ được rừng là giữ được đất, ông vận động dân bỏ dần tập quán du canh, du cư, tập trung khai phá ruộng bậc thang, khơi nguồn nước dẫn đến từng thửa ruộng để cấy lúa. Do vậy, người dân Nậm Trà không còn du canh nữa mà đã yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất trên mảnh đất của gia đình mình. Nhận thấy lợi thế đất đai rộng lớn, có nhiều đồi cỏ để chăn nuôi đại gia súc, các hộ dân tập trung nuôi trâu, bò. Nhiều hộ gia đình có thu nhập tốt từ mô hình kinh tế này, dần dần có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện cả thôn có khoảng 20 nhà xây kiên cố với kinh phí xây dựng 500 - 700 triệu đồng, có nhà xây ngót nghét gần 1 tỷ đồng.
Ông Chảo Chòi Phấu, đảng viên Chi bộ thôn Nậm Trà cho biết: Ông Chảo Lá Lở luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Với vai trò là bí thư chi bộ, ông tuyên truyền, vận động người dân nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phân công các đảng viên trong chi bộ theo dõi, phụ trách các nhóm hộ trong thôn ngày càng phát triển.
Với uy tín được xây dựng từ mỗi hành động, việc làm của Bí thư Chi bộ Chảo Lá Lở trở thành niềm tin, là chỗ dựa, động lực để hơn 50 hộ dân của bản Dao đỏ vượt qua mọi khó khăn. Hơn 20 năm hết mình vì cộng đồng, ông Lở được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và của huyện. Đặc biệt, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Trần Diệp Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Phú nhấn mạnh: Đồng chí Chảo Lá Lở là điển hình tiên tiến của xã, luôn phát huy tinh thần đầu tàu gương mẫu của người đảng viên. Với uy tín và sự nhiệt tình, trách nhiệm, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho thôn trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Ngồi bên bếp lửa ngày mưa nghe kể về hành trình đi lên của mảnh đất Nậm Trà, chúng tôi thêm trân trọng sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của cộng đồng người Dao đỏ và càng thêm yêu quý sự nỗ lực của Bí thư Chi bộ thôn Chảo Lá Lở. Nậm Trà vẫn còn nhiều gian khó, nên trong câu chuyện, nhiều lần bí thư chi bộ già trăn trở và hoạch định con đường phía trước cho thôn mình phát triển mọi mặt. Ông Lở sẽ lại miệt mài giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng tốt đẹp hơn.