"Ăn đong" đến bao giờ?

Thể thao Việt Nam đã có 10 suất tham dự Olympic Paris 2024. Con số này chạm ngưỡng chỉ tiêu 12 - 15 suất đến Pháp năm nay.

Tuy nhiên, mục tiêu đua tranh huy chương đang khó khăn hơn bao giờ hết, và đặc biệt, so sánh với tương quan khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn ì ạch trên con đường đến ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Chỉ tiêu… khiêm tốn

Thể thao Việt Nam liên tiếp đứng đầu 2 kỳ SEA Games gần đây (31 và 32), đoạt tổng cộng 341 Huy chương Vàng trong khi Thái Lan 2 lần về nhì với 200 Huy chương Vàng; Indonesia đoạt 155 Huy chương Vàng, đứng thứ 3; Malaysia sau 2 kỳ đại hội khu vực chỉ giành 73 Huy chương Vàng…

Con số thống kê này cho thấy ưu thế vượt trội của chúng ta trong nhóm quốc gia hàng đầu về thể thao của khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều đó không tỷ lệ thuận khi cùng nhau bước vào đường đua Olympic.

Cho đến cuối tháng 2 năm nay, thể thao Việt Nam mới vỏn vẹn có 4 suất đi Olympic 2024, bằng khoảng 30% chỉ tiêu tối thiểu đặt ra. Trong cả tháng 3 chúng ta mới có thêm 1 suất và phải đến tháng 4, số lượng các vận động viên giành vé đến Pháp đạt “kỷ lục”, 5 tuyển thủ.

Điều đó giúp những nhà quản lý thể thao tạm trút đi gánh nặng đeo đẳng trong một thời gian dài khi các suất dự Thế vận hội đến theo kiểu “nhỏ giọt”, đồng thời dồn sức tính toán chỉ tiêu khác, quan trọng hơn, đó là huy chương.

Nhiều người cho rằng, con số 12 - 15 vận động viên đến Pháp là chỉ dấu cho sự thụt lùi về nhiều mặt, bởi ở kỳ Thế vận hội Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021 do Covid-19), thể thao Việt Nam có 18 vận động viên và con số này là 23 ở Olympic Rio năm 2016.

Thế nhưng, chỉ tiêu số vận động viên tham dự Olympic Paris 2024 đã được ngành Thể thao tính toán rất kỹ, đặc biệt sau kết quả tại ASIAD 19 (Hàng Châu, Trung Quốc). Chỉ có điều, thất bại ngoài mong muốn của các vận động viên trọng điểm ở những môn như bắn súng, boxing nữ, đấu kiếm, taekwondo... khiến thể thao Việt Nam có thời điểm “căng như dây đàn”.

Theo ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL), từ nay đến ngày 30/6, hạn cuối chốt danh sách vận động viên tham dự Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam vẫn còn tham dự vòng loại các môn như điền kinh, judo, vật, quyền Anh, bóng bàn, thể dục dụng cụ.

Nếu đạt kết quả tốt, chúng ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 12 suất đến Pháp. Trong trường hợp xấu, các vận động viên thất bại do phong độ, tâm lý thi đấu, Việt Nam còn được trao một số suất mời, đặc cách.

Đội tuyển boxing nữ Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu giành thêm suất sau khi Võ Thị Kim Ánh đã có vé tham dự Olympic Paris 2024. Các tay đấm nằm trong nhóm trọng điểm như Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và Lưu Diễm Quỳnh tiếp tục tranh tài tại vòng loại Olympic diễn ra tại Thái Lan từ ngày 22/5 - 2/6.

Đội vừa hoàn thành chuyến tập huấn kéo dài 2 tuần lễ tại Kazakhstan. Mới đây, Hoàng Thị Tình đã xuất sắc có mặt trong top 100 thế giới sau màn trình diễn thuyết phục tại giải judo Grand Slam 2024, diễn ra tại thủ đô Dushanbe (Tajikistan). Thứ hạng này giúp nữ võ sĩ quê Thanh Hóa tích lũy thêm điểm trong cuộc đua đến Paris.

Phụ trách bộ môn điền kinh, Cục Thể dục thể thao, kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, môn điền kinh đặt mục tiêu giành suất dự Olympic Paris 2024 ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ.

Năm ngoái, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Minh Hạnh làm nên lịch sử cho điền kinh Việt Nam với tấm Huy chương Vàng nội dung tiếp sức 4x400m tại giải vô địch châu Á.

Sau đó, Nguyễn Thị Huyền chia tay đội tuyển và được thay thế bởi sự trở lại của Quách Thị Lan. Các tuyển thủ nội dung này sẽ tranh tài giải vô địch châu Á từ ngày 20/5 ở Thái Lan.

Trong trường hợp nhóm 4x400m nữ Việt Nam không đoạt suất chính thức, Liên đoàn Điền kinh thế giới dành cho chúng ta 1 suất mời đến Olympic 2024 ở các nội dung 100m nữ, 800m nữ hoặc marathon, giống như Quách Thị Lan ở Thế vận hội trước.

Nhiều khả năng, gương mặt trẻ Trần Thị Nhi Yến sẽ được chọn tham dự nội dung 100m nữ tại Olympic Paris. Tại giải Điền kinh trẻ châu Á 2024, diễn ra vào tháng 4 vừa qua tại UAE, Nhi Yến giành Huy chương Bạc 100m và 200m nữ. Ở nội dung 100m, tuyển thủ Việt Nam cán đích sau 11 giây 40, thua Chen Yujie (Trung Quốc) đoạt Huy chương Vàng với thành tích 11 giây 32.

Với nội dung 200m, chân chạy tốc độ số 1 điền kinh Việt Nam về nhì với thành tích 23 giây 48, ngang với thông số Huy chương Đồng ASIAD 19; Yinglan Liu (Trung Quốc) vô địch với thành tích 22 giây 94.

Như vậy, thể thao Việt Nam gần như chắc chắn sẽ hoàn thành chỉ tiêu số suất đi Olympic. Vấn đề còn lại chỉ là con số 12 hay 15, hoặc có cần dùng cửa phụ là suất mời, đặc cách không?

Và cũng phải nhấn mạnh, thể thao Việt Nam dù vơi bớt nỗi lo, song vẫn trong trạng thái chạy sau các đối thủ của khu vực Đông Nam Á. Con số 10 suất đến Olympic của chúng ta còn rất khiêm tốn khi đặt bên cạnh Thái Lan hiện có 40 suất chính thức, Indonesia (21), Malaysia (18), Singapore (15) và Philippines (12)…

Tay vợt cầu lông Lê Đức Phát là gương mặt mới nhất của thể thao Việt Nam đoạt vé Olympic 2024.

Giấc mơ triệu đô

Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL) cho biết, để khích lệ các vận động viên, Ủy ban Olympic Việt Nam cùng các đối tác đã công bố mức thưởng cho mỗi tấm huy chương giành được tại Thế vận hội.

Cụ thể, Huy chương Vàng sẽ được thưởng 1 triệu USD, Huy chương Bạc 500 nghìn USD và Huy chương Đồng 200 nghìn USD. Ngoài ra, một số liên đoàn thể thao đã treo thưởng riêng.

Đơn cử là Liên đoàn Bắn súng Việt Nam treo thưởng lần lượt là: 500 triệu đồng đối với Huy chương Vàng, 300 triệu đối với Huy chương Bạc và 200 triệu với Huy chương Đồng.

Bên cạnh đó, mức thưởng sẽ được tăng thêm tùy theo Cục Thể dục thể thao, các liên đoàn và hiệp hội kêu gọi từ nguồn lực tài trợ. Theo ông Đặng Hà Việt, đây là động lực rất lớn mà ngành Thể dục thể thao dành cho các vận động viên trên con đường chinh phục những tấm huy chương quý giá tại Olympic Paris 2024.

Nên nhớ rằng, khi Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Vàng Olympic Rio 2016, số tiền thưởng xạ thủ này nhận được chưa trừ thuế chỉ hơn 5 tỷ đồng. Còn ở Thế vận hội năm nay, nếu tuyển thủ Việt Nam giành Huy chương Vàng sẽ nhận khoảng 25 tỷ đồng, con số kỷ lục về tiền thưởng cá nhân với thể thao Việt Nam.

Mặc dù vậy, để đoạt số tiền thưởng triệu đô với thể thao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay rất khó, nếu không muốn nói nó chỉ là… giấc mơ giữa thủ đô Paris hoa lệ. 3 năm trước, chúng ta trắng tay tại Olympic Tokyo, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau 3 kỳ đại hội liên tiếp có huy chương, kể cả Huy chương Vàng, thể thao Việt Nam không đạt được thành tích đáng ghi nhận nào.

Rất nhiều vấn đề “nóng” được đặt ra, phân tích, từ phong độ và tâm lý thi đấu của các gương mặt chủ chốt cho đến cách tuyển chọn, đào tạo vận động viên và đầu tư trọng điểm. Thế nhưng, đến giờ chưa có cơ sở nào để dẫn đến niềm tin rằng chúng ta sẽ có huy chương Olympic Paris 2024.

Nếu tình trạng không huy chương ở Nhật Bản tiếp tục lặp lại trên đất Pháp mùa Hè này, rõ ràng thể thao Việt Nam đang chệch hướng so với chính những quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á.

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện tại Olympic Moscow 1980, hơn 4 thập niên qua, số huy chương thể thao Việt Nam giành được vỏn vẹn là 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Và những con số không biết “nói dối”. Thái Lan đang dẫn đầu khu vực về số huy chương Olympic. Tính đến trước Olympic 2024, Thái Lan có 28 huy chương (9 Vàng, 6 Bạc, 13 Đồng); Indonesia 33 huy chương (7, 12 và 14); Philippines 14 huy chương (1, 5 và 8); Malaysia 8 huy chương (4 Bạc, 4 Đồng)…

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh được kỳ vọng sẽ giành huy chương cử tạ hạng 61 kg.

Thể thao Việt Nam đã có 10 suất đến Paris, đồng thời các môn từng đạt huy chương là bắn súng, cử tạ đều có đại diện, song khả năng trắng tay tại Pháp vẫn rất lớn. Hy vọng lớn nhất của đội tuyển cử tạ, cũng như đoàn thể thao Việt Nam được đặt lên vai đô cử Trịnh Văn Vinh, hạng 61 kg.

Mong đợi là thế, còn thực tế, nhìn vào thành tích của Vinh qua các giải vô địch châu Á 2024; vô địch thế giới 2024; ASIAD 19 và World Cup 2024, các thông số của lực sĩ này (cao nhất đạt 294 kg) còn cách thông số có thể giành Huy chương Đồng rất xa (300 kg). Hạng 61 kg cử tạ tại Pháp hứa hẹn trở thành một trong những nội dung đua tranh khốc liệt nhất.

Ông Nguyễn Huy Hùng - phụ trách bộ môn cử tạ (Cục Thể dục thể thao) cho biết: “Chúng tôi biết rất rõ thông số của các vận động viên hạng 61 kg. Ở hạng cân này, giành vé dự Olympic đã khó, cơ hội đoạt huy chương còn gian nan hơn rất nhiều.

Sau khi Ủy ban Olympic quốc tế giới hạn số nội dung đưa vào thi đấu chính thức của môn cử tạ tại Olympic, nhiều lực sĩ mạnh ép cân thi đấu hạng 61 kg. Trong khi đấu, quan trọng nhất là đấu pháp. Đội tuyển cử tạ Việt Nam còn khoảng 2 tháng chuẩn bị để Trịnh Văn Vinh đạt điểm rơi phong độ đúng thời điểm Olympic Paris tranh tài chính thức”.

Bên cạnh cử tạ, hy vọng huy chương của Việt Nam chỉ còn ở đội tuyển bắn súng, với 2 xạ thủ là Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền. Ban huấn luyện đội tuyển bắn súng đã đề xuất với Cục Thể dục thể thao về việc 2 xạ thủ cần được sớm làm quen với địa điểm thi đấu, môi trường ở Pháp bên cạnh việc được trang bị đầy đủ về đạn cũng như các thiết bị khác.

Nhưng cả 2 nữ xạ thủ này đều chưa có thông số tranh chấp huy chương. Nếu không có điều thần kỳ nào đó diễn ra, bắn súng Việt Nam lần này đến Paris cũng chỉ mang tính học hỏi. Niềm hy vọng lớn nhất Phạm Quang Huy – Huy chương Vàng ASIAD 19 đã thất bại từ vòng loại Olympic.

Olympic là đấu trường khắc nghiệt nhất, nơi quy tụ những vận động viên hàng đầu đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với phương châm “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.

Vậy nên, thể thao Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, thực hiện một cách bài bản, khoa học mới hy vọng tranh chấp huy chương sau 1 - 2 kỳ Olympic nữa. Nếu không, tình cảnh “ăn đong” từ số lượng vận động viên và nguy cơ trắng tay ở Olympic với thể thao Việt Nam còn kéo dài.

Trong 2 kỳ Thế vận hội gần đây, các quốc gia trong nhóm đầu Đông Nam Á, không tính Việt Nam đều duy trì thành tích có huy chương Olympic. Vậy thể thao Việt Nam đứng ở đâu trong chính khu vực Đông Nam Á? Nếu nhìn ở góc độ huy chương, Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 tụt hạng thê thảm, rơi xuống nhóm trắng tay cùng với Singapore, Myanmar, Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste.

Nhưng như đã đề cập, từ năm 2003 đến nay, chúng ta luôn đứng trong top 3 tại các kỳ SEA Games. Sự bất ổn này đã được nhìn nhận nhiều năm qua, song thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự chuyển biến đủ mạnh, có tính đột phá để cải thiện thành tích ở đấu trường Olympic.

Theo giaoducthoidai.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

[Ảnh] Những gương mặt ấn tượng tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang 2024

[Ảnh] Những gương mặt ấn tượng tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang 2024

Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang đã khép lại vào đêm 17/11 bằng trận chung kết và lễ bế mạc đầy cảm xúc. 10 ngày nhịp theo trái bóng tròn, các cổ động viên Lào Cai và cả nước đã có những "bữa tiệc" thể thao thực sự. Đem lại những cảm xúc ấn tượng ấy là các vận động viên của 9 đội bóng hàng đầu quốc gia với sự lăn xả, quyết liệt trong từng pha bóng cũng như vẻ đẹp của tinh thần thể thao "fairplay".

VTV Bình Điền Long An lên ngôi vô địch

Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024: VTV Bình Điền Long An lên ngôi vô địch

Trận thi đấu được trông đợi nhất mùa giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024 là cuộc đọ sức giữa VTV Bình Điền Long An (áo vàng) và Hóa chất Đức Giang Lào Cai (áo trắng) trong trận chung kết. Trận đấu diễn ra vào lúc 20h tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai.

Vượt qua Xi măng Long Sơn Thanh Hóa, LP Bank Ninh Bình xuất sắc giành hạng 3

Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024: Vượt qua Xi măng Long Sơn Thanh Hóa, LP Bank Ninh Bình xuất sắc giành hạng 3

Trận đấu cuối trong ngày 16/11, Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024 chứng kiến cuộc đọ sức tranh hạng 3 giữa LP Bank Ninh Bình và Xi măng Long Sơn Thanh Hóa. Trên thực tế, cả LP Bank Ninh Bình và Xi măng Long Sơn Thanh Hóa đều có những sứt mẻ về lực lượng khi một số trụ cột gặp chấn thương.

Hà Nội và Quảng Ninh dắt tay nhau xuống chơi giải hạng A năm 2025

Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024: Hà Nội và Quảng Ninh dắt tay nhau xuống chơi giải hạng A năm 2025

Hà Nội và Quảng Ninh là 2 đội đang thất thế và không còn nhiều cơ hội so với Geleximco Thái Bình trong cuộc đua trụ hạng. Tuy nhiên với tinh thần thể thao cao thượng, đội bóng chuyền nữ Hà Nội và đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã cống hiến cho người hâm mộ một trận đấu hấp dẫn, kịch tính ngay từ khi tiếng còi khai cuộc.

Thắng Geleximco Thái Bình 3 - 0, Vietinbank chính thức trụ hạng

Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024: Thắng Geleximco Thái Bình 3 - 0, Vietinbank chính thức trụ hạng

Ngày thi đấu áp chót Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024 diễn ra 3 trận đấu, trong đó có 2 trận thuộc vòng trụ hạng (Vietinbank - Geleximco Thái Bình; Hà Nội -Quảng Ninh), trận còn lại là tranh giải Ba giữa Xi măng Long Sơn Thanh Hóa - LP Bank Ninh Bình.

Phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số

Phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh thi hành pháp luật trong thực thi các chính sách nói chung, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chú trọng thực hiện việc thi hành pháp luật về chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

fbytzltw