Diễn ra trong 3 ngày từ 9-11/7, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này sẽ thảo luận về một loạt vấn đề nóng có ý nghĩa sống còn đối với liên minh quân sự 75 năm tuổi. Đó là tiếp tục khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine, tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, thúc đẩy chiến lược công nghiệp quốc phòng, tăng cường các quan hệ đối tác và đảm bảo các cam kết về chi tiêu quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh tại Washington sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập của liên minh thành công nhất trong lịch sử, nhưng cũng là nơi chúng ta cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai, không chỉ về chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra các đề xuất về Ukraine. Tôi hy vọng NATO sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh và đào tạo. Và các đồng minh cũng sẽ cam kết hỗ trợ quân sự và tài chính nhiều hơn cho Ukraine.”
Được thành lập sau Chiến tranh Lạnh (4/4/1949), NATO ở tuổi 75 đang trong tình huống “nghịch lý”. Một mặt, NATO “chưa bao giờ được trẻ hóa và hồi sinh như vậy trong những năm gần đây”. Nhưng mặt khác quy mô của những thách thức mà NATO phải đối mặt, cả bên trong và bên ngoài, cũng ngày càng tăng.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã phá vỡ mọi giả định về an ninh châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Sự gia nhập của các quốc gia trung lập trước đây như Phần Lan và Thụy Điển, phần nào phản ánh một thế giới ngày càng biến động và khó lường, buộc NATO phải thích nghi nhằm giảm thiểu những bất đồng nội bộ.
5 năm sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “NATO đang chết não”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người vừa nhậm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, mới đây lại cảnh báo nguy cơ NATO tự diệt vong nếu tiếp tục lún sâu hơn nữa vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Sự chia rẽ trong NATO ngày một lớn và không chỉ giới hạn ở vấn đề Ukraine. NATO cũng phải cân nhắc đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi nhiều thành viên của liên minh đang trải qua những thách thức chính trị trong nước. Đặc biệt, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có ảnh hưởng lớn đến NATO. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã không ngần ngại bày tỏ sự không hài lòng của mình với liên minh. Theo các cố vấn thân cận của ông Trump, chính trị gia này nghiêm túc đối với khả năng rút Mỹ khỏi NATO nếu ông được bầu làm tổng thống một lần nữa.
Trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng một lần nữa nhấn mạnh: “Không ai biết những tuần và tháng tới sẽ như thế nào. Nhưng một điều chắc chắn là NATO phải trở nên châu Âu hơn để duy trì tính chất xuyên Đại Tây Dương bất kể kết quả bầu cử tại Mỹ như thế nào. Chúng tôi sẽ thảo luận sâu hơn về tiến trình này”.
Các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO cũng bao gồm việc phát triển chiến lược mới cho sườn phía nam để đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như chào đón Tổng thư ký mới, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Theo các nhà phân tích, từ Chiến tranh Lạnh đến cuộc xung đột tại Ukraine, NATO ở năm thứ 75 tiếp tục có thêm nhiều mối lo. Vì vậy, đây cũng là thời điểm then chốt để các đồng minh đoàn kết lại với nhau và chứng minh với người dân, các đối tác quốc tế và các đối thủ chiến lược rằng NATO vẫn là “người bảo vệ” không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng.