Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Theo Ban tổ chức, “Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc - 2024” đợt 2 có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sỹ đến từ 24 đơn vị trong cả nước, bao gồm các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị nghệ thuật giao hưởng, nhạc, vũ kịch trong và ngoài công lập trên toàn quốc…
Theo quy định, mỗi đơn vị nghệ thuật được tham gia 1 chương trình, vở diễn với thời lượng từ 60 phút đến 110 phút, thuộc các loại hình: Ca múa nhạc tổng hợp; các loại hình nghệ thuật phương Tây như: giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, thanh xướng kịch, broadway, opera…
Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn (trong nhạc kịch, vũ kịch…) đã đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an tổ chức không được tham gia liên hoan.
Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, phần nhạc đệm cho hát, đệm cho độc tấu nhạc cụ phải được nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp tại sân khấu; riêng âm nhạc của múa có thể biểu diễn trực tiếp hoặc được thu thanh trước. Các loại hình nghệ thuật phương Tây được sử dụng tác phẩm nước ngoài, các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn…, phải được cơ quan chức năng phê duyệt công diễn trước 15 ngày khai mạc…
Đối với các chương trình nghệ thuật, Ban tổ chức yêu cầu, các chương trình, tiết mục, vở diễn tham gia liên hoan cần có chủ đề, nội dung ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban tổ chức khuyến khích xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Quy định về loại hình, thể loại chương trình, tác phẩm, hình thức biểu diễn gồm: âm nhạc (giao hưởng, nhạc kịch, thanh xướng kịch, broadway, opera…); ca nhạc tổng hợp gồm thanh nhạc (ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng) với các hình thức biểu diễn: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca và hợp ca; khí nhạc gồm các thể loại âm nhạc dành cho dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử hoặc phối hợp giữa các nhóm nhạc cụ khác nhau với các hình thức biểu diễn: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu… và hòa tấu. Các thể loại múa, như: kịch múa (vũ kịch), thơ múa, tổ khúc múa, tác phẩm múa ngắn với các hình thức biểu diễn múa ít người và múa tập thể.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tặng thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các chương trình, vở diễn, tiết mục, vai diễn… xuất sắc.
Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc là cầu nối văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền, là dịp để các nghệ sỹ, các đoàn nghệ thuật cọ sát, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là "sân chơi" để các nghệ sỹ, những tài năng nghệ thuật thỏa sức sáng tạo, làm mới, đa dạng hóa hình thức trình diễn, thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam.
Liên hoan cũng là dịp để cơ quan quản lý văn hóa, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho nghệ thuật nước nhà.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi), Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 1) dự kiến tổ chức đầu tháng 9/2024 tại Vĩnh Phúc đã tạm hoãn.