LCĐT - Sáng 16/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về logistics - các giải pháp chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14% - 16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao. Theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai. |
Trong lĩnh vực giao thông vận tải tồn tại một số vấn đề làm tăng chi phí vận tải, như thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển; tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế việc phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa; kết nối hạ tầng giao thông chưa hiệu quả, các tuyến giao thông kết nối với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ, đa dạng tương ứng với nhu cầu, năng lực của hệ thống… cũng là nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics nước ta hiện nay còn cao.
Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra các nhóm giải pháp nhằm giảm chi phí logistics kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách. Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển. Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải. Nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, nhưng chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Thủ tướng yêu cầu phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa. Trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%. Đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nêu rõ, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics - một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế; gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.
Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.
Lào Cai hiện có gần 200 doanh nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ liên quan đến logistics và đang dần hình thành một số doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai chuỗi cung ứng dịch vụ logistics theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics đang ngày càng được hoàn thiện. Khoảng cách về không gian, thời gian kết nối giữa các địa phương trong cả nước với Lào Cai và với các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc ngày càng được rút ngắn. Một số dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics đang phát triển khá mạnh: Dịch vụ hải quan, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm hóa... Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của tỉnh đang trong giai đoạn phát triển bước đầu, trong đó dịch vụ logistics liên quan đến vận tải chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tuy số lượng đông nhưng hoạt động dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Lào Cai còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, cạnh tranh về giá là chủ yếu. Tiềm lực các doanh nghiệp logistics Lào Cai yếu về tài chính, nhân sự, tổ chức mạng lưới, hệ thống thông tin, tính liên kết… Hạ tầng giao thông vận tải còn yếu, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Lào Cai khá cao, trong đó chi phí vận tải chiếm 30% đến 40% giá thành sản phẩm, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Lào Cai. |