Lữ hành giữa đại dịch: "Cá nhanh" sẽ nuốt "cá chậm"

Trong bối cảnh khó khăn và chỉ có thị trường nội địa, các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, đặc biệt là khối inbound đứng trước lựa chọn đổi mới hay tiếp tục "ngủ đông". Các chuyên gia nhận định, đơn vị nào chuyển đổi nhanh hơn sẽ có nhiều cơ hội tồn tại và phát triển.

Nhanh chóng cập nhật xu hướng

Trong bối cảnh ngành du lịch "sống chung" với dịch bệnh Covid-19, hành vi và thị hiếu của du khách nội địa cũng thay đổi khá nhanh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật thông tin, tương tác với khách hàng để nắm bắt xu hướng và xoay chuyển chiến lược kinh doanh.

Tại diễn đàn trực tuyến "Chia sẻ cách kinh doanh du lịch nội địa hiệu quả dành cho doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ" do Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế (Prato) tổ chức, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, cuộc khảo sát tháng 3/2021 về hành vi của khách du lịch nội địa đã cho thấy một số chuyển biến so với lần khảo sát trước vào tháng 9/2020.

Theo công bố của TAB, 83% người được khảo sát sẵn sàng đi du lịch trong vòng 7 tháng tới, nhất là dịp hè 2021. Du khách quan tâm đến chính sách linh hoạt trong việc hoàn hủy tour hơn là việc giảm giá và tính mới lạ của điểm đến. Lựa chọn về các điểm đến của du khách Hà Nội tham gia khảo sát cũng có sự thay đổi, ví dụ như điểm đến Đà Nẵng đã thay thế Khánh Hòa ở vị trí được quan tâm nhiều nhất.

Qua kết quả khảo sát, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng các doanh nghiệp du lịch khi xây dựng sản phẩm phải có chính sách linh hoạt khi thay đổi hoặc hủy bỏ tour; phù hợp với nhóm nhỏ, gia đình. Các chương trình khuyến mãi, kích cầu nên dài hạn và bổ sung trải nghiệm cho khách chứ không chỉ chú trọng đến giảm giá.

Đà Nẵng là điểm đến yêu thích của du khách Việt.
Đà Nẵng là điểm đến yêu thích của du khách Việt.

Nhanh chóng chuyển đổi số

Từ trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng nền tảng số ngày càng nhiều để đặt chỗ các dịch vụ du lịch. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Khảo sát mới nhất của TAB cũng cho thấy nhu cầu đặt dịch vụ trực tuyến của du khách đã tăng cao hơn so với việc đặt trực tiếp.

Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, các doanh nghiệp phải chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số: "Có thể với ngành lữ hành tới đây sẽ không còn khái niệm 'cá lớn nuốt cá bé' mà 'cá nhanh sẽ nuốt cá chậm'. Các doanh nghiệp linh hoạt và có khả năng thích ứng cao thì sẽ tồn tại, chuyển đổi nhanh thì thu hút được nhiều khách".

Một báo cáo gần đây của Công ty tư vấn McKinsey & Company đã nhận định, các công ty du lịch nội địa thường đi sau các "ông lớn" về mặt nguồn lực nhưng lại linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hoạt động hướng tới những đối tượng cụ thể. Nếu các công ty lữ hành trực tuyến cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội, đây sẽ là một cơ hội giúp tăng khả năng thâm nhập thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Vietsense Travel chia sẻ, triển khai tiếp thị số (marketing online) giúp doanh nghiệp này mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, rút ngắn thời gian, chi phí vận hành bộ phận marketing. Ngoài các kỹ thuật như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), sản xuất các nội dung lan truyền (viral content) hay hoàn thiện website nội bộ thì các mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng là công cụ hiệu quả, kết hợp quảng bá trực tuyến (online) với bán hàng ngoại tuyến (offline). Mạng xã hội giúp công ty lữ hành kết nối với khách hàng tốt hơn, tư vấn một cách nhanh chóng và chính xác.

Các doanh nghiệp du lịch đang tích cực liên kết để khảo sát, xây dựng sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp du lịch đang tích cực liên kết để khảo sát, xây dựng sản phẩm mới.

Nhanh chóng liên minh, liên kết

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO cho rằng, trong đại dịch thì các liên minh, liên kết trở nên quan trọng hơn lúc nào hết, nhất là các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ. Việc này sẽ tận dụng thế mạnh và tệp khách hàng riêng của mỗi công ty để tạo ra sức mạnh chung cùng nhau vượt qua khó khăn.

"Các liên minh mang lại rất nhiều lợi thế, như giúp giá tour tốt hơn, chất lượng tour được duy trì ổn định, ngày khởi hành đa dạng. Thông qua việc liên kết, các doanh nghiệp được giảm chi phí nhân sự về điều hành, thiết kế sản phẩm; dễ dàng đưa sản phẩm mới vào thị trường; dễ thỏa thuận với các nhà cung cấp về giá và dịch vụ gia tăng vì đạt dung lượng cao. Các rủi ro về đặt cọc dịch vụ như khách sạn, hàng không… cũng sẽ được giảm thiểu" – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Còn ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, không chỉ giữa các doanh nghiệp, mối liên kết trong hoạt động du lịch cần phải được thắt chặt hơn nữa giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là công tác xây dựng sản phẩm và xúc tiến, quảng bá. "Thời gian qua, việc liên kết xây dựng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến tại Hà Nội đã giúp nhiều địa phương vùng núi phía Bắc thúc đẩy du lịch dịp thu – đông và thu hút được lượng lớn du khách nội địa" - ông Nguyễn Quý Phương cho biết thêm.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw