Lễ hội Gầu Tào huyện Trạm Tấu là nét văn hóa độc đáo của người H’Mông dịp đầu năm mới.
“Gầu Tào” theo tiếng H’Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”, thường được dân tộc H’Mông tổ chức từ mồng 8 đến ngày 15 tháng Giêng.
Theo quan niệm, đây là dịp để đồng bào cảm tạ thần linh, cầu xin trời đất ban cho sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Người dân vận chuyển cây nêu từ trên rừng về. (Ảnh THANH SƠN).
Trước khi chặt cây nêu, nghệ nhân Giàng A Su, 80 tuổi chọn ngày, giờ xong mới tiến hành chặt, không được để cây chạm đất mà phải hạ cây nêu từ từ xuống và phân công người thay nhau khênh, vác ra sân vận động để dựng.
Năm nay, cây nêu được chọn là cây màng mủ từ trên rừng, cao hơn 16 mét, phía trên được trang trí cờ Tổ quốc và các dải băng trang trí đẹp mắt.
Múa khèn Mông trong lễ hội (Ảnh THANH SƠN).
Chủ tế tại Lễ hội Gầu Tào là nghệ nhân Giàng A Su. Nội dung bài cúng là nhằm tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm có nhiều điều tốt lành, cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào các dân tộc một năm mới nhiều may mắn, người người yên vui, mùa màng bội thu...
Cây nêu trong lễ hội có cờ đỏ tung bay giữa núi rừng (Ảnh THANH SƠN).
Sau phần lễ là phần hội diễn ra sôi động, với các tiết mục múa khèn và các môn thể theo truyền thống như đẩy gậy, đánh quay, bắn nỏ, ném pao, đánh cầu lông gà và các trò chơi dân gian của dân tộc H’Mông.
Thi kéo co trong lễ hội (Ảnh THANH SƠN).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu, Vũ Lê Trung Anh cho biết, việc huyện Trạm Tấu phục dựng, tổ chức lễ hội Gầu Tào hằng năm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân H’Mông, thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Không khí và sắc màu văn hóa của lễ hội Gầu Tào là điểm nhấn trong hoạt động sinh hoạt văn hóa đầu xuân vùng Tây Bắc, là không gian độc đáo để du khách mọi miền đến trải nghiệm về văn hóa Tết của đồng bào H’Mông.