Xung đột Nga-Ukraine: Giao tranh ở tỉnh Kursk leo thang dữ dội

Trận chiến ở tỉnh Kursk ban đầu được coi là sự cố nhỏ, liên quan đến một nhóm phá hoại, nhưng sau đó đã diễn ra ở quy mô lớn hơn và Bộ Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Nga đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực.

Một số hình ảnh về cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga. Ảnh cắt từ clip của Reuters và AP

Tình hình hiện tại

Theo hãng thống tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc đụng độ bắt đầu vào đêm ngày 5-6/8 khi quân đội Ukraine leo thang bắn phá vào tỉnh Kursk của Liên bang Nga, sau đó được tiếp nối bằng một cuộc tấn công toàn diện gần thành phố Sudzha.

Trong một báo cáo phát đi ngày 9/8, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết trong 24 giờ qua, không quân và pháo binh nước này đã ngăn chặn thành công bước tiến của các lực lượng Ukraine vào sâu hơn trong lãnh thổ Liên bang Nga.

Hiện tại, các lực lượng Liên bang Nga đang nhắm mục tiêu vào lực lượng dự bị của Ukraine ở tỉnh Sumy của Ukraine, nơi đang được Ukraine sử dụng làm căn cứ hậu cần cho cuộc tấn công.

Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, các cuộc đụng độ lớn đang diễn ra gần các khu định cư Daryino, Gogolevka, Melovoy, Nikolsky và vùng ngoại ô phía Tây Sudzha, nơi Kiev tập trung một phần đáng kể nhân lực của mình.

Về phía Ukraine, để tạo ra nhiều điểm nóng và ngăn chặn các lực lượng Liên bang Nga tập trung nỗ lực vào tình hình ở Kursk, vào đêm 8/8, quân đội nước này đã phát động các cuộc tấn công vào nhiều khu vực khác của Liên bang Nga.

Theo các nhà chức trách phía Liên bang Nga, khu vực Lipetsk đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái lớn, khiến một sân bay quân sự bốc cháy và làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, một nhóm binh sĩ Ukraine đã cố gắng tấn công gần Kinburn Spit ở vùng Kherson, nhưng đã "bị đẩy lùi thành công".

Mục tiêu tấn công

Các chuyên gia đưa ra một số mục tiêu mà các cuộc tấn công của Ukraine hướng tới, bao gồm phá hủy trạm xăng Sudzha, nơi Liên bang Nga bơm khí đốt vào châu Âu; chuyển hướng sự chú ý của bộ chỉ huy phía Liên bang Nga khỏi Donbass; phá vỡ các tuyến đường sắt tiếp tế cho lực lượng của Liên bang Nga ở khu vực Kharkiv và nâng cao tinh thần của quân đội Ukraine.

Theo Quân đoàn Vệ binh Nga, Moskva cũng bày tỏ lo ngại về nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm gần nơi giao tranh và an ninh tại đây được cho là đã được tăng cường .

Một số nhà phân tích dự đoán rằng Ukraine có thể tìm cách tận dụng bất kỳ lãnh thổ nào mà họ chiếm được ở tỉnh Kursk để yêu cầu trả lại đất đai của Ukraine hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Liên bang Nga. Điều này có thể bao gồm khả năng đổi nhà máy điện hạt nhân Kursk lấy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ năm 2022.

Một chiến dịch thành công cũng có thể củng cố vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình được mong đợi từ lâu với Nga.

Chính quyền địa phương ở tỉnh Kursk báo cáo rằng 6 thường dân, bao gồm một nhân viên y tế, một tài xế xe cứu thương và một phụ nữ mang thai 24 tuổi, đã thiệt mạng và 66 người khác, bao gồm sáu trẻ em, bị thương trong cuộc tấn công của Ukraine, trong khi một cuộc sơ tán lớn khỏi khu vực giao tranh cũng đã được tiến hành theo lệnh.

Các lực lượng tham gia

Ban đầu, vào hôm 6/8, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga báo cáo rằng 300 quân Ukraine, 11 xe tăng và 20 xe bọc thép đã vượt qua biên giới nước này. Tuy nhiên, vào hôm sau, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov tuyên bố rằng có khoảng 1.000 quân nhân Ukraine tham gia vào trận chiến.

Trong khi đó, các nguồn tin của Ukraine tuyên bố rằng ở phía Ukraine có tới ba lữ đoàn với tổng cộng khoảng 10.000 quân, đang tham gia vào các cuộc đụng độ.

Họ cũng nói rằng tính đến ngày 7/8, lực lượng vũ trang Nga đã mất một trực thăng Ka-52, trong đó có chỉ huy đã thiệt mạng, và hai xe tăng T-62.

Một đoạn video do quân đội Ukraine công bố được cho là cho thấy 6 binh sĩ quân đội Liên bang Nga bị bắt trong cuộc tấn công.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng trong cuộc giao tranh ở Kursk, các lực lượng Ukraine đã mất tới 945 quân nhân và 102 xe bọc thép, bao gồm 12 xe tăng, hai hệ thống tên lửa phòng không Buk M1 và ba khẩu pháo dã chiến.

Số lượng quân nhân Nga tham gia vào chiến dịch này ước tính lên tới hàng nghìn người.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh. Ảnh cắt từ clip của Reuters

Tuyên bố chính thức

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin mô tả hành động của Ukraine hôm 6/8 "hành động khiêu khích lớn" và lên án "cuộc tấn công bừa bãi bằng nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa, nhằm vào các cơ sở dân sự, tòa nhà dân cư và xe cứu thương".

Ngày 7/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Nga đã mang chiến tranh đến đất nước chúng ta và họ nên cảm nhận những gì họ đã làm", đồng thời nói thêm rằng "người Ukraine biết cách đạt được mục tiêu của mình".

Về phía Mỹ, trong một phát biểu đưa ra vào cuối ngày 8/8, người phát ngôn Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh nói rằng các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk của Liên bang Nga không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, tình hình ở tỉnh Kursk phù hợp với chính sách của Mỹ và ngay từ đầu, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine trong phòng vệ trước các cuộc tấn công từ bên kia biên giới.

Bà Singh nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các nguồn lực cũng như các hệ thống mà Kiev cần và "không cảm thấy đây là hành động leo thang theo bất kỳ cách nào".

Tuy nhiên, bà Singh lưu ý rằng Mỹ vẫn giữ quan điểm không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào sâu bên trong Liên bang Nga.

Bà Singh nói: "Chúng tôi không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa vào (Liên bang Nga). Chúng tôi đã tuyên bố như vậy ngay từ đầu”.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw