Vừa thi đỗ tiếng Hàn để đủ điều kiện sang Hàn Quốc làm việc, chị Ma Seo Mào, thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai (huyện Mường Khương) tâm sự: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, chồng tôi sang Hàn Quốc làm việc với thu nhập 30 - 35 triệu đồng/tháng. Sau 4 năm, số tiền mà chồng tôi tích lũy gửi về đủ mua đất trồng keo, chuối, quế. Vào vụ, tôi phải thuê 20 - 30 lao động để bón phân, tỉa cành. Hiện việc trồng trọt đã đi vào ổn định, rừng trồng có thể thuê người chăm sóc, tôi quyết định đăng ký sang Hàn Quốc làm việc cùng chồng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, như bao bạn trẻ khác, anh Vũ Đình Gió, thôn Km3, xã Na Hối (huyện Bắc Hà) mong tìm việc làm ổn định tại quê hương. Tuy nhiên, tiền công trả cho sinh viên mới ra trường quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, anh quyết định nghỉ việc, học tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.
Được hỗ trợ từ Chương trình EPS đối với lao động thuộc các huyện nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Gió đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2014 đến năm 2018.
Sang Hàn Quốc làm công nhân với tiền công khởi điểm 1.000 USD/tháng, công việc chính của anh Gió là trồng, thu hoạch cây ăn quả ôn đới. Những lúc rảnh, anh lại bắt xe buýt xuống các làng quê để xem và học cách làm nông nghiệp của người dân bản xứ. Nhìn nông dân Hàn Quốc sản xuất nông nghiệp chuyên canh, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, rồi lại nghĩ đến đất đai phì nhiêu của quê mình, anh ấp ủ mang kiến thức học được ở nước ngoài về khởi nghiệp trên mảnh đất của quê hương.
Trở về quê nhà, từ 0,7 ha đất của gia đình cộng với gần 1 tỷ đồng tích lũy được trong 4 năm lao động tại Hàn Quốc, anh thuê thêm 3 ha để trồng dâu tây, rau ôn đới, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, anh Gió thu lời gần 200 triệu đồng.
Anh Gió cho biết: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Hà khác với Hàn Quốc nên phải mất vài lần gieo trồng, nghiên cứu cách bón phân, xử lý nguồn nước, tận dụng nắng gió và độ ẩm… tôi mới tìm ra được quy trình sản xuất chuẩn giúp cây dâu tây phát triển tốt và cho thu hoạch quả. Kết hợp công nghệ hiện đại với canh tác truyền thống, cây dâu tây giống Hàn Quốc cho quả to, thơm ngon. Tôi vẫn kết nối với một số đơn vị tại Hàn Quốc để có nguồn giống chất lượng.
Đó chỉ là 2 trong hàng trăm câu chuyện “đổi đời” nhờ xuất khẩu lao động. Phần lớn người lao động sau thời gian lao động ở nước ngoài trở về quê với “hành trang” là số tiền công lao động khá lớn cùng những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp.
Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà cho biết: Năm 2023 và những năm tiếp theo, Bắc Hà sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người dân, phấn đấu hằng năm có từ 50 - 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thời gian qua, nhiều lao động thuộc các huyện nghèo sau khi xuất khẩu lao động trở về đã có khoản tiền tích lũy để nâng cao cuộc sống. Ngoài ra, nhiều người đã tìm được công việc phù hợp ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc khởi nghiệp thành công ngay tại quê hương.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, toàn tỉnh có 201 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có gần 70 lao động của 4 huyện nghèo xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (tăng 3 lần so với năm 2021) tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… Người lao động tại các huyện nghèo còn được hưởng nhiều chế độ ưu tiên, như được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo (50.000 đồng/người/ngày); hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo (400.000 đồng/người/tháng); hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) với mức 600.000 đồng/người.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan trong tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, với tổng doanh số cho vay 17,5 tỷ đồng, với 512 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ là 17,3 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 61.000 lao động, trong đó có 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt kế hoạch này, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, chính sách, từ đó tham gia thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài.