Luật gồm 9 chương, 72 điều quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật quy định: Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại một kỳ họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 11 Ðiều 40 của luật này. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo pháp lệnh, nghị quyết tại một phiên họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Ðiều 42 của Luật này. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp, dự án pháp lệnh, nghị quyết phải được gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về lấy ý kiến, tham vấn chính sách, Luật quy định: Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham gia góp ý kiến…
Theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội được tham vấn, cơ quan lập đề xuất chính sách mời đại diện cơ quan khác của Quốc hội, đối tượng hoặc tổ chức đại diện cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hội nghị.
Tại hội nghị tham vấn, lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan chính sách. Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm xây dựng văn bản về kết quả tham vấn chính sách, trong đó phải nêu rõ quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn. Việc tham vấn chính sách đối với bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trước kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra dự thảo nghị quyết này.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: Việc ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt. Mục tiêu là không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Qua thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 31 của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu đồng tình việc xác định phạm vi điều chỉnh như quy định tại Ðiều 1 của dự thảo nghị quyết là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước và bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Trung ương và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung liên quan nghị quyết nêu trên, về nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp; cụ thể là việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án…
Trước khi Quốc hội thông qua, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Ðảng vào cuộc sống.
Ðổi mới mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…