Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”
Theo quy định trên, hoạt động được coi là kinh doanh vận tải ô tô phải có đầy đủ các yếu tố sau:
- Thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải;
- Đối tượng vận chuyển là hành khách, hàng hóa;
- Hoạt động nhằm mục đích là sinh lời.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Như vậy, có thể thấy hoạt động dùng ô tô gia đình chở khách (có thu phí) sẽ được coi là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi dùng ô tô gia đình để chở khách mà không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt như sau:
“Phạt tiền từ 07 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định;”
Do đó, khi cá nhân, tổ chức chở khách mà không đăng ký kinh doanh vận tải, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt theo các mức tiền quy định như trên.
Như vậy, kinh doanh xe gia đình được coi là hoạt động kinh doanh vận tải. Cá nhân sử dụng ô tô gia đình để chở khách, có thu phí phải đăng ký kinh doanh và xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.