Xe công nông sự trở lại không mong đợi

YBĐT - Cách đây khoảng gần 10 năm, xe công nông bên cạnh mặt tích cực, xe tự chế hoành hành khắp nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông và là nguyên nhân trực tiếp gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Nhà nước đã có quy định nghiêm cấm các loại xe công nông, xe tự chế hoạt động, đồng thời Chính phủ cũng triển khai chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện vận tải bằng việc cho vay mua ô tô với mức lãi suất thấp. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã khá “mạnh tay” với loại phương tiện này nên hàng loạt xe công nông hoặc bị thu giữ hoặc được… cân sắt vụn. Đường làng, đường phố không còn cảnh những chiếc xe dị hình, nổ phành phành, phun khói đen ngòm, chở hàng cồng kềnh, phóng nghênh ngang như trước.

Bẵng đi một thời gian, xe công nông lại tái xuất hiện. Bắt đầu từ việc mấy bác nông dân ra hàng cơ khí chế thêm đoạn thùng lắp vào cái máy cày của nhà mình, chở phân ra ruộng, chở thóc ngô về nhà, chở gỗ từ rừng ra các xưởng bóc… cực kỳ tiện lợi. Thi thoảng những chiếc máy cày chở hàng cũng chạy trên đường giao thông vì thực tế không phải nhà nào cũng liền kề với ruộng nương hay nói cách khác, muốn đi từ nhà ra ruộng, tới rừng phải đi qua quốc lộ. Biết như thế là quá sai nhưng lý của các bác nông dân là: “Nhà em ở bên này, ruộng lại ở bên kia đường, không cho em đi qua thì em chỉ có cách… bay!”.

Có thể khẳng định, các ngành chức năng không lạ gì chuyện máy cày nối thêm thùng xe để chở hàng tham gia giao thông nhưng có lẽ chứng kiến cảnh các bác nông dân chân lấm, tay bùn, lam lũ cực nhọc, chở tý nông sản về nhà hay ra bãi như thế không ai nỡ phạt, tịch thu.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì cũng không có gì đáng bàn, hoặc mức độ gây mất trật tự an toàn giao thông cũng chỉ ở mức thấp. Tiếc là, bà con ta đã lợi dụng sự cảm thông của người thi hành công vụ để khôi phục và nhanh chóng nở rộ loại hình xe công nông, xe tự chế một cách khá mạnh.

Máy cày 7 sức ngựa, chở yếu, leo dốc kém… được thay bằng động cơ 10, 12, có khi là 15 sức ngựa công suất mạnh. Máy cày vốn dĩ điều khiển bằng hai càng, đã được cải biên để điều khiển chuyển hướng bằng vô lăng; thùng gỗ cỡ nhỏ, bánh nhỏ được thay bằng thùng sắt cỡ lớn, lốp lớn. Chưa hết, nhiều người còn mạnh tay hơn khi thấy loại xe công nông đầu dọc cải tiến từ máy cày thường có nhược điểm chạy chậm, chở yếu, không tự đổ ben… đã mạnh dạn tiến lên loại đầu ngang (động cơ thiết kế nằm ngang, bộ chuyển động bằng cát đăng, cầu trục). Thế là những chiếc xe công nông đầu ngang còn sót lại trước đây nhanh chóng được khôi phục lại với hình thù đủ kiểu, tiếp tục băng băng trên đường. Điều đáng nói hơn nữa là hiện nay một số xưởng cơ khí ở Yên Bình, nhất là Đoan Hùng (Phú Thọ) đã trở thành những xưởng sản xuất công nông đầu ngang chuyên nghiệp, thu hút rất đông khách hàng trong khu vực.

Theo ghi nhận của chúng tôi, địa phương nào có nghề rừng, chế biến gỗ, nhất là có các điểm khai thác cát sỏi, gần nhà máy chế biến sắn… thì nơi đó càng nhiều xe công nông, xe tự chế. Điển hình trong số này là khu vực hạ huyện Yên Bình như: Thác Bà, Hán Đà, Vũ Linh, Vĩnh Kiên…, những địa phương này có cả trăm chiếc xe công nông, xe tự chế. Ông Nguyễn Văn Phương ở Yên Bình nói: “Lý do sự trở lại của những chiếc xe công nông, xe tự chế chính là giá không đắt, chỉ khoảng 7 đến 8 triệu đồng là có một chiếc đầu dọc; vài chục triệu là có cái đầu ngang. Hơn nữa, chạy xe công nông không cần bằng lái, không đăng ký, đăng kiểm, không lệ phí đường bộ”. Một bác lái công nông ở Hưng Thịnh (Trấn Yên) cho biết: “Ai cũng hiểu chạy xe công nông là vi phạm pháp luật nhưng vì cuộc sống thôi. Để khỏi bị cảnh sát giao thông xử phạt, tịch thu, chúng tôi phải hạn chế ra đường, nếu phải ra thì nhìn trước, ngó sau; lỡ bị bắt thì lại năn nỉ…”.

Trò chuyện với bác lái công nông mới thấy, bác nào cũng có cái lý, cái tình cả, riêng chuyện an toàn giao thông như hệ thống phanh, tín hiệu, đèn pha… của xe thì các bác chỉ cười trừ rồi lảng sang chuyện khác. Ai đã biết, xe công nông, xe tự chế rất mất an toàn và thực tế nó đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Sau một thời gian vắng bóng, xe công nông, xe tự chế đang xuất hiện trở lại một cách khá mạnh mẽ. Loại phương tiện này là mối ẩn họa lớn về trật tự giao thông đường bộ. Các địa phương, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần lưu tâm đến vấn đề này.

 Tấn Đạt

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 338/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 15 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

fb yt zl tw