Xây dựng thương hiệu âm nhạc, định vị điểm đến

Với sự kết hợp tinh tế các tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam và thế giới, những chương trình hòa nhạc gần đây đang tạo được sức hút, hấp dẫn khán giả.

Nhiều chương trình tổ chức thường niên mang dấu ấn riêng, định vị được thương hiệu trong lòng công chúng, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

Chương trình hòa nhạc “Hà Nội Concert - Hòa nhạc năm mới 2024” vào tối 1-1-2024.
Chương trình hòa nhạc “Hà Nội Concert - Hòa nhạc năm mới 2024” vào tối 1-1-2024.

Tạo giá trị âm nhạc riêng

Những năm gần đây, có thể thấy rõ sức hấp dẫn của các chương trình hòa nhạc với khán giả Việt Nam. Dù được coi là dòng nhạc “kén” người nghe song thị trường âm nhạc đã chứng kiến khá nhiều đêm nhạc giao hưởng có sức hút với công chúng. Nhiều chương trình hòa nhạc phi lợi nhuận tuy không đặt nặng vấn đề doanh thu nhưng ít nhiều đã tạo được thương hiệu riêng, mang đến giá trị thưởng thức mới cho công chúng.

Buổi hòa nhạc “Hà Nội Concert - Hòa nhạc năm mới 2024” do Đài PT-TH Hà Nội thực hiện vào tối 1-1-2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội thu hút khá đông khán giả. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng các nghệ sĩ tên tuổi của Italia và Việt Nam là Angela Nisi, Mạnh Hoạch, Phạm Khánh Ngọc đã biểu diễn đầy ấn tượng những tác phẩm bất hủ như “Hồ Thiên nga” (Tchaikovsky), “Dòng sông Danube xanh” (Ivanovici), “Vũ khúc Hungary” (Brahms)... cùng các tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam là “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, “Mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sĩ Trần Hoàn.

“Hà Nội Concert” là chương trình hòa nhạc mang tính định kỳ với nhiều phiên bản: “Hà Nội Concert mùa hè”, “Hà Nội Concert mùa thu”, “Hà Nội Concert chào năm mới” nhằm xây dựng chương trình âm nhạc hàn lâm cho công chúng Thủ đô, bước đầu đã mang đến cảm xúc mới cho khán giả yêu nhạc thính phòng tại Hà Nội.

Trước đó, Hà Nội đã có những chương trình hòa nhạc phi lợi nhuận tạo được tiếng vang không chỉ bởi tính chất tổ chức định kỳ trở thành thương hiệu riêng mà còn vì chất lượng nghệ thuật làm hài lòng giới chuyên môn và công chúng. Sau 13 năm tổ chức, hòa nhạc “Điều còn mãi” của Báo Vietnamnet trở thành “món ăn tinh thần” cho khán giả vào chiều Quốc khánh (2-9). Từ năm 2022, chương trình “Hòa nhạc chào xuân - New Year concert” của lực lượng Công an nhân dân cũng đã tạo dư vị quen thuộc vào đầu năm mới cho công chúng yêu nhạc cổ điển.

Sức hấp dẫn của những chương trình hòa nhạc tổ chức tại Việt Nam không chỉ thể hiện ở những đêm nhạc phủ kín khán giả mà còn được minh chứng ở những buổi diễn bán vé đạt doanh thu cao. Đơn cử như năm 2022, hai đêm Hòa nhạc Toyota tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng bán hết vé chỉ trong thời gian ngắn; hay các chương trình hòa nhạc Hennessy luôn “nóng” trong mỗi lần trở lại Việt Nam.

Vé của các chương trình hòa nhạc này luôn được giới mộ điệu săn đón với mức giá không rẻ. Cũng vì sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng, nhiều năm qua, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình “Hòa nhạc đặt vé trước” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, mỗi năm có khoảng 10 buổi diễn và trở thành thương hiệu riêng, tạo dấu ấn đậm nét cho khán giả yêu nhạc cổ điển.

Xây dựng thương hiệu điểm đến

Mặc dù không phải là những chương trình âm nhạc dành cho số đông, không có sự khuấy động, thu hút hàng triệu người xem cùng một lúc như những sự kiện âm nhạc giải trí nhưng các chương trình hòa nhạc lại mang đến giá trị riêng, hướng đến một thương hiệu âm nhạc đẳng cấp.

Chia sẻ về mục đích thực hiện chuỗi âm nhạc “Hà Nội Concert”, Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm cho biết, đây là dự án âm nhạc nhằm triển khai cụ thể Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. “Chúng tôi nỗ lực xây dựng chuỗi chương trình âm nhạc mang giá trị hàn lâm, tạo ra định hướng về thẩm mỹ âm nhạc, từ đó từng bước tạo dựng thương hiệu cho chương trình âm nhạc hàn lâm ở Hà Nội” - ông Nguyễn Kim Khiêm bày tỏ.

Ở góc nhìn của người làm nghệ thuật, nhạc trưởng Lê Phi Phi sau nhiều năm gắn bó với chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” chia sẻ, những chương trình hòa nhạc không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn giúp định vị thương hiệu điểm đến cho Thủ đô. “Tôi biết có rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài, nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh muốn được đến Hà Nội vào đúng ngày Quốc khánh để thưởng thức chương trình âm nhạc “Điều còn mãi”, đó là giá trị lớn nhất mà chúng tôi mong muốn khi thực hiện chương trình này” - nhạc trưởng Lê Phi Phi bày tỏ.

Còn nhạc trưởng Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, người đã tham gia với vai trò nhạc trưởng nhiều chương trình hòa nhạc lớn chia sẻ, nhạc giao hưởng đã và đang có chỗ đứng vững chắc trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

“Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của khán giả Việt Nam với các chương trình hòa nhạc. Hà Nội có rất nhiều nhà hát đạt tiêu chuẩn cho các đêm nhạc giao hưởng, cũng là nơi hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng, có thể trở thành một trong những trung tâm nghệ thuật lớn của cả nước” - nhạc sĩ Honna Tetsuji đánh giá.

Sự phát triển của những chương trình hòa nhạc giao hưởng tại Thủ đô những năm qua đang góp sức tạo nên thị trường âm nhạc đa sắc, hấp dẫn và chất lượng cho Hà Nội. Dù vậy, để những chương trình này trở thành điểm hẹn âm nhạc thường xuyên cho người dân, du khách thì cần phải được duy trì định kỳ, thường xuyên hơn nữa. Ngoài ra, để tạo được thương hiệu riêng, các chương trình cần được đầu tư, nâng cấp về chất lượng, tạo sự khác biệt và không ngừng đổi mới để tăng sức hút bền vững với công chúng.

Báo Hànộimới

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phim tôn vinh bản sắc Việt "lên ngôi"

Phim tôn vinh bản sắc Việt "lên ngôi"

Ngay từ đầu năm, điện ảnh Việt Nam đã có những cú đảo chiều thú vị. Nhiều phim tôn vinh bản sắc, khai thác yếu tố văn hóa dân gian thu hút đông đảo khán giả, thậm chí gây “sốt” tại các rạp và nền tảng chiếu phim, đánh bật những tác phẩm đình đám của điện ảnh nước nhà và quốc tế.

Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật múa Việt Nam cần tiếp thu hơi thở, nhịp điệu mới để phù hợp cuộc sống đương đại. Nhưng, hòa nhập đòi hỏi không được hòa tan là vấn đề cấp thiết và “chìa khóa” để giải mã vấn đề này không gì khác chính là tìm về yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống của cha ông. Đó là lý do nhiều tác phẩm múa đương đại Việt Nam đang lựa chọn hướng đi tích hợp giữa tính dân tộc và hiện đại.

Điểm cộng mới của phim truyền hình

Điểm cộng mới của phim truyền hình

Sau một thời gian tập trung khai thác các tình tiết tạo drama, thị phi thái quá, phim truyền hình đang có những thay đổi lớn về nội dung. Ở đó, dù vẫn là đề tài quen thuộc như gia đình, hình sự… nhưng yếu tố giải trí, hài hước, những câu chuyện nhân văn gần gũi với đời sống đã được hướng tới.

Sức hút của 'Độc đạo', phim cảnh sát hình sự đang chiếu trên VTV3

Sức hút của 'Độc đạo', phim cảnh sát hình sự đang chiếu trên VTV3

“Độc đạo” là sự trở lại của ê kíp “Biệt dược đen” gồm hai đạo diễn Phạm Gia Phương - Trần Trọng Khôi, biên tập Trung Dũng và DOP Trần Kim Vũ. Bộ phim đang thu hút sự chú ý của khán giả trên kênh VTV3 bởi diễn xuất của dàn sao nam đình đám của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Bộ phim gây chú ý ngay từ những tập đầu, với hàng triệu lượt xem các phần trích đoạn ngắn, hàng chục nghìn lượt thích và hàng nghìn lượt bình luận.

Nghệ thuật và sự sẻ chia

Nghệ thuật và sự sẻ chia

Cơn bão Yagi đã đi qua, song hậu quả để lại là vô cùng nặng nề đối với nhiều gia đình tại các tỉnh phía Bắc. Tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhà hát và các nghệ sĩ đang lên kế hoạch tổ chức các đêm nhạc, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật… quyên góp, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.

fb yt zl tw