Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, thảo luận về công tác phụ nữ trong nhiệm kỳ mới.
"Hội thảo là cơ hội quý báu để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn cùng những đại biểu quan tâm đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu. Kỷ yếu hội thảo sẽ trở thành nguồn tài liệu quý giá, góp phần bổ sung căn cứ lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ tới đây", đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương cho hay.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, các mục tiêu mà hội thảo hướng đến gồm: hệ thống hóa các vấn đề lý luận, lý thuyết về công tác phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ; tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ; định hướng đổi mới nội dung, phương thức công tác phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh mới về thúc đẩy công tác phụ nữ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Chiện, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học Việt Nam, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực, nhưng phụ nữ vẫn đang đối mặt với những rào cản và thách thức lớn, đặc biệt là trong việc tham gia các vị trí lãnh đạo.
Phân tích về những cơ hội mà thời đại công nghệ số mang lại cho phụ nữ, từ việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đến mở rộng cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương chỉ ra rằng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phụ nữ dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Trong phần trình bày của mình, Nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Anh và Tiến sĩ Phùng Thị Quỳnh Trang đã đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động phụ nữ của Hội. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vấn đề cải tiến cách tiếp cận thông tin để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo phụ nữ trên cả nước trong bối cảnh truyền thông số hóa ngày càng phát triển.
Tiếp theo đó, Tiến sĩ Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách Luật pháp (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã trình bày về hoạt động phản biện xã hội và đề xuất các giải pháp như cải thiện khả năng nắm bắt dư luận xã hội, nâng cao năng lực phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, bảo đảm chính sách, luật pháp liên quan đến phụ nữ luôn được xây dựng dựa trên những phân tích, đánh giá khoa học.