Người dân giải nhiệt tại một đài phun nước ở Athens, Hy Lạp ngày 12/7/2023.
Theo WMO, nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận vào ngày 11/8/2021 - cao hơn gần 1 độ C so với mức cao kỷ lục trước đó là 48 độ C ghi nhận ngày 10/7/1977 tại các thành phố Athens và Elefsina của Hy Lạp. Tuy nhiên, mức nhiệt kỷ lục năm 1977 chưa được WMO kiểm chứng độc lập.
WMO cho biết một ủy ban quốc tế gồm các nhà khoa học về khí quyển đã xác minh nhiệt độ ghi nhận tại một trạm thời tiết tự động ở Syracuse trên đảo Sicily của Italy.
Giáo sư Randall Cerveny, người soạn báo cáo về các hiện tượng thời tiết cực đoan và khí hậu cho WMO, nhấn mạnh có thể các hiện tượng cực đoan lớn hơn sẽ xảy ra tại châu Âu trong tương lai. Theo ông, nghiên cứu cho thấy xu hướng báo động nhiệt độ cao kỷ lục sẽ tiếp tục được ghi nhận tại một số khu vực trên thế giới.
Với lượng khí thải do con người gây ra nung nóng hành tinh, châu Âu đang nóng lên nhanh gấp khoảng 2 lần so với trung bình của thế giới, với mức tăng 2,2 độ C trong 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.
WMO cho biết cho đến nay mới xác minh kỷ lục năm 2021 vì cơ quan này cẩn trọng để đảm bảo số liệu chính xác.
Theo WMO, các kỷ lục mới được xác minh đem lại một chuẩn mực có căn cứ để so sánh các kỷ lục cho Báo cáo tình trạng khí hậu hằng năm của WMO ở quy mô toàn cầu và khu vực.
Các nhà khoa học cho biết thời tiết cực đoan, gồm nắng nóng, hạn hán và lũ lụt, đang trở nên ngày càng thường xuyên trong bối cảnh khí hậu nóng lên, gây thiệt hại đối với các nền kinh tế và hệ sinh thái, sức khỏe con người, nông nghiệp và nguồn nước.
Các ghi nhận của WMO về kỷ lục nóng năm 2022 được công bố trên Tạp chí khí hậu quốc tế.