Vùng cao vào mùa làm nương

LCĐT - Mùa xuân, mùa sản xuất mới tại vùng cao trong tỉnh đã bắt đầu. Dưới ruộng thấp, trong khi người dân đang hăng say tay cày, tay bừa để chuẩn bị vào vụ cấy thì trên những đồi cao, người dân cũng cần mẫn phát cỏ dại, làm đất gieo vụ mới.

Thôn Bản Pho, xã Bản Qua (Bát Xát) những ngày này, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà, những người có sức khỏe đều đã lên đồi từ rất sớm. Bà Tẩn Muổng Trình dậy từ tờ mờ sáng để thổi lửa nấu cơm sáng và cả cơm nắm cho người làm mang theo dùng bữa trưa. Chồng bà đang mài mấy con dao phát cho sắc hơn. Mấy hôm nay, ngày nào vợ chồng bà cũng lên nương từ sớm cho đến sẩm tối mới về tới nhà.

Cô con gái út Tẩn Nảy Khé cũng dậy sớm đi cùng bố mẹ, tay xoa xoa vào nhau cho đỡ cóng. Em bảo: Lúc bắt đầu ra khỏi nhà còn thấy lạnh, leo đồi một hồi là nóng cả người. Trên đồi, bố cuốc rồi tra hạt, mẹ và em sẽ theo  bón phân. Leo đồi cũng quen rồi, chẳng thấy mệt.

Trước đây, người dân Bản Pho còn trồng nhiều lúa nương, nhưng năng suất thấp nên giờ cả thôn chuyển sang trồng ngô, có giá trị kinh tế cao hơn. Ở những địa bàn khác của huyện Bát Xát, người dân cũng đang tích cực chuyển đổi diện tích cây lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hàng hóa.

Người dân Mường Khương vào mùa làm nương.
Người dân Mường Khương vào mùa làm nương.

Vùng cao Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương những ngày này đang chìm trong sương mù và mưa lạnh giá. Nhưng người dân các thôn Tà Lủ, Sín Chải A, Mao Chóa Sủ 1, Mao Chóa Sủ 2... vẫn cặm cụi bắt nhịp sản xuất cho kịp thời vụ. Ngô vẫn là cây trồng chính mang lại thu nhập cho người dân nơi đây. Mùa làm nương đã bắt đầu, những bước chân của người dân lại thậm thịch ngược dốc để cuốc hố, tra hạt.

Anh Vàng Seo Lìn, thôn Sín Chải A, dừng xe máy bên đường mua mấy chiếc bánh mì để mang theo đi làm nương. Khuôn mặt ướt đẫm sương, anh tâm sự: Mua thêm vài chiếc bánh, nương cách nhà 4 cây số  nên đến tối mới về đến nhà.

Phía trước, có thêm mấy người đang dừng xe lại đợi anh Lìn, họ là những người cùng thôn giúp nhà anh làm đổi công. Anh Lìn nói rằng làm chung thì đúng hơn, phát hết nương của nhà này rồi tới nương nhà khác, như thế vừa nhanh và không thấy mệt.

Trong gùi của vợ anh Lìn có hai con dao phát, nắm cơm trưa và hai chai nước. Đã 3 ngày anh chị lên đồi làm cỏ, trẻ nhỏ và người già ở nhà chuẩn bị phân chuồng để bón lót cho ngô.

Qua những vụ ngô hàng hóa được mùa, đời sống người dân Tả Ngải Chồ ngày càng khấm khá hơn. Một vài hộ dân có kinh tế khá đã mua được xe ô tô tải nhỏ để vận chuyển phân bón và chở ngô. Người dân ở các bản không phải đi gần 20km xuống chợ huyện mua phân bón nữa.

Những quán bán hàng tạp hóa ở Tả Ngải Chồ cũng mọc lên ngày một nhiều, quán bán đủ những đồ thực phẩm như cá, gà đông lạnh, mì tôm, phở, rau, có gia đình trong bản làm nghề mổ lợn, làm đậu... Ngày mùa bận rộn, người dân vùng cao cũng không phải đi xuống chợ huyện mua thức ăn về dự trữ.

Tại thôn xa nhất là Sà Khái Tủng, cách trung tâm xã Tả Ngải Chồ 7 km, một vài hộ dân có đất trồng ngô xa nhà dựng lán bằng vải bạt để ở lại trong mùa làm nương. Họ mang theo nồi, kiềng bếp, thịt, rau và món ăn truyền thống như thịt treo.

Toàn xã Tả Ngải Chồ có 350 ha ngô, nương ngô vừa dốc, vừa xa nhà nhưng những bước chân của người dân nơi đây vẫn miệt mài vì cuộc sống, để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Giống ngô mới đem lại cho người dân thu nhập cao hơn giống ngô địa phương, năng suất cao hơn 2 - 3 lần.

Ông Thào Seo Khứ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Tả Ngải Chồ là một trong những xã có diện tích rừng lớn tại huyện Mường Khương. Ngay trong những buổi họp thôn đầu năm, cán bộ xã đã nhắc nhở người dân làm nương cần chú ý nguy cơ cháy rừng và hướng dẫn việc đốt cỏ đúng quy cách. Người dân vùng cao Tả Ngải Chồ vốn có truyền thống giữ rừng, trong hương ước, quy ước của các thôn, bản ghi rõ điều khoản xử phạt nghiêm khắc nếu ai đó gây tổn hại rừng. Bởi vậy mà người dân có ý thức bảo vệ rừng cao hơn trong mùa làm nương.

Bức tranh cuộc sống, lao động của người dân xã Tả Ngải Chồ, Bản Pho cũng chính là hình ảnh chung của những người dân vùng cao Lào Cai những ngày này. Với khí thế mới đầu năm, đồng bào vùng cao lại có quyền để nghĩ tới những vụ ngô, lúa bội thu, nghĩ tới tiết trời “mưa thuận gió hòa”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?

Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?

Từ đầu năm 2025, thuốc lá điện tử chính thức bị cấm bán và sử dụng tại Việt Nam. Quyết định này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc trong giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người vẫn loay hoay trong hành trình từ bỏ thuốc lá điện tử, thậm chí tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn.

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva (UNIGE), Thụy Sỹ vừa công bố phát hiện quan trọng, làm sáng tỏ nguyên nhân phía sau những khó khăn trong tương tác xã hội ở trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 cũng là thời gian cao điểm khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh, do đó ngành y tế Lào Cai và các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân và du khách. 

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hoạt động giáo dục lòng yêu nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi, tràn đầy cảm xúc. Các em học sinh từ mầm non đến trung học không chỉ được học về lịch sử mà còn được trải nghiệm những hoạt động thực tế, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

fb yt zl tw