Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tạm giữ Trần Tấn Phong (46 tuổi, HKTT tại TP Thủ Dầu Một) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ông Phong chính là người đàn ông đập kính ô tô uy hiếp người điều khiển xe màu xanh đang lưu thông cùng chiều khiến anh này phải quỳ xuống xin lỗi, sự việc được camera ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội trong ngày hôm qua.
Đáng chú ý, ông Phong ngoài bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng thì Công an TP Thủ Dầu Một cũng đang tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ để xem xét về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và làm nhục người khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này, Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết:
Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông, với diễn biến biến sự việc được camera ghi lại và lời khai ban đầu của các bên trong vụ việc, có thể thấy địa điểm diễn ra là trên đường phố công cộng, nơi thường xuyên có nhiều người qua lại có nguy cơ gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh.
Cạnh đó, người đàn ông tên Phong liên tục dùng lời nói, hành động (túm tóc) để đe doạ khiến người mặc áo đỏ phải quỳ xuống xin lỗi thì vụ việc mới dừng lại.
Việc ông Phong bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng; đồng thời xem xét xử lý tiếp về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và làm nhục người khác là có căn cứ.
Bởi lẽ, thứ nhất camera đã ghi lại được cảnh ông Phong đã có hành vi dùng vật đập bể kính xe ôtô, có dấu hiệu của tội cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội phạm tại điều này quy định người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hành vi khách quan của tội này là người thực hiện có hành vi tác động ( đập phá vỡ kính ô tô...) vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.
Do vậy, để có căn cứ xử lý chính xác ông Phong có phạm vào tội cố ý làm hư hỏng tài sản hay không cơ quan Công an cần xác định giá trị kính xe ôtô bị đập vỡ và nhân thân tiền án, tiền sự của ông Phong. Trường hợp, giá trị thiệt hại trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã nêu ở trên thì có căn cứ để xử lý thêm về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Đối với hành vi làm nhục người khác, Điều 155 BLHS đã quy định rõ người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Đây là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này.
Về mặt khách quan, người thực hiện hành vi có thể sử dụng bằng lời nói như: chửi rủa, sỉ nhục nơi đông người hoặc có thể dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để xúc phạm danh dự của nguời khác.
Về mặt chủ quan thì người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, biết hành vi của mình gây hại, xúc phạm, bêu xấu đến người khác mong muốn hậu quả xảy ra đối với nạn nhân.
Cạnh đó, không chỉ dựa vào ý chí chủ quan của người phạm tội hay người bị hại để kết luận tính nghiêm trọng mà cần dựa trên các yếu tố khác như về trình độ nhận thức, địa vị xã hội của bị hại; phong tục tập quán; dư luận xã hội... để từ đó đánh giá toàn diện, chính xác mức độ hành vi làm nhục của ông Phong trong vụ việc này.