Võ sư trẻ và tình yêu võ thuật

LCĐT - Đã hơn một năm nay, Võ đường Lâm Anh nằm trên phố Lê Thanh thuộc địa phận phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) luôn có nhiều võ sinh, đặc biệt võ sinh nhí từ khắp nơi về tập luyện. Ít ai biết võ đường này do võ sư trẻ Nguyễn Văn Du thành lập và nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của những người yêu võ thuật cổ truyền ở địa phương.

“Bắt duyên” võ thuật từ truyền thống gia đình

Thoạt nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, thư sinh của võ sư Nguyễn Văn Du, tôi không nghĩ anh đã gắn bó với võ thuật từ khi còn rất nhỏ. Anh Du sinh năm 1988 tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng trong một gia đình có truyền thống võ thuật (bố anh vốn là bộ đội đặc công, chú ruột là võ sư phái Hồng Mi Đạo Nhơn ở Đồng Nai), nên mới 5 tuổi, anh đã được bố cho tập luyện. Khi 12 tuổi, anh được gia đình gửi sang Trung Quốc học võ của phái Thiếu Lâm Tự, sau đó về Việt Nam, vào Nam tiếp tục học thêm các môn phái khác. Ban đầu, thấy thể lực anh ốm yếu, gia đình chỉ cho anh học võ để nâng cao thể chất, nhưng rồi niềm đam mê võ thuật đã ăn sâu vào máu chàng thanh niên lúc nào không hay. Trong thời gian vào miền Nam sinh sống cùng họ hàng bên nội, anh giấu bố mẹ tiếp tục kiên trì theo đuổi niềm đam mê ấy. Sau đó, anh về Hà Nội học thêm, đồng thời tham gia dạy võ thuật ở các trường đại học. Cho đến thời điểm này, võ sư Nguyễn Văn Du đã học võ của 5 môn phái chính, trong đó tập trung vào Vệ sỹ Thăng Long võ đạo do võ sư Vũ Hải, Chủ nhiệm bộ môn, Phó Tổng Thư ký Hội Võ thuật Hà Nội giảng dạy.

Trong thời gian đó, Nguyễn Văn Du trưởng thành rất nhanh, anh tham gia nhiều giải võ thuật truyền thống cấp quốc gia và các khu vực ở trong nước, từng đoạt nhiều huy chương. Ngoài ra, anh còn cùng thầy dạy của mình và các đồng môn khác tham gia cố vấn võ thuật cho một số bộ phim truyền hình. Nhưng rồi anh xác định, muốn gắn bó lâu dài với võ thuật truyền thống thì phải đẩy mạnh hoạt động dạy võ và quảng bá võ thuật. Từ suy nghĩ này, anh trở về quê hương Lào Cai lập nghiệp bằng chính tình yêu võ thuật của mình.

Võ sư Nguyễn Văn Du hướng dẫn võ sinh tập luyện.
Võ sư Nguyễn Văn Du hướng dẫn võ sinh tập luyện.

Lập võ đường để thực hiện ước mơ

Khi trở về Lào Cai, võ sư Nguyễn Văn Du nhanh chóng tham gia dạy võ cho người dân trên địa bàn. Thời điểm này, võ thuật truyền thống bắt đầu được nhiều người dân Lào Cai quan tâm, do đó, nhiều võ đường của các phái võ khác nhau cũng được thành lập. Đặc biệt, sự ra đời của Công ty Võ thuật Hoàng Liên Sơn do võ sư Hoàng A Lợi làm Giám đốc đã thúc đẩy phong trào học võ trên địa bàn tỉnh, nhất là trong hệ thống trường học. Hiện, Công ty có 4 võ sư và hơn 10 huấn luyện viên giảng dạy, trong đó, võ sư Nguyễn Văn Du làm Phó Ban chuyên môn. Thời gian qua, Công ty đã phát triển được 20 câu lạc bộ võ thuật tại các trường học, tổ chức giảng dạy cho hàng trăm võ sinh trong năm học và dịp nghỉ hè. Võ đường Lâm Anh cũng là một câu lạc bộ nhưng dạy kỹ thuật nâng cao hơn và do vợ chồng võ sư Du tự đầu tư, hạch toán. Anh luôn bố trí thời gian hợp lý, phân công huấn luyện viên đảm bảo giờ dạy tại các trường học và tại võ đường của mình. “Ban đầu vì kinh tế khó khăn, rồi gia đình không muốn tôi dạy võ, nên tôi thấy nản, may có vợ, cũng là trợ giảng huấn luyện viên luôn ủng hộ, động viên nên tôi quyết tâm mở võ đường”. Qua những ngày đầu vất vả, đến nay, võ đường luôn duy trì trung bình khoảng 50 võ sinh mỗi tháng, độ tuổi từ 5 đến 50, chủ yếu là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ các võ sinh ở ngay trung tâm thành phố, mà nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số từ xã vùng cao Hợp Thành, Tả Phời (thành phố Lào Cai) cũng theo cha mẹ đi bán hàng xuống võ đường học mỗi ngày. Có hai võ sinh đặc biệt là Bùi Gia Bảo và Hoàng Văn Linh (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) còn được bố mẹ tin cậy, gửi gắm cho các huấn luyện viên dạy dỗ, chăm sóc suốt 3 tháng nghỉ hè. Được biết, đây là mùa hè thứ hai, Gia Bảo ăn, ngủ và học tại võ đường. Vào năm học mới rồi nhưng cứ cuối tuần, bố mẹ hai em lại chở các con lên võ đường để tiếp tục theo đuổi môn học mình yêu thích. Còn với cô bé Nguyễn Hoàng Yến, 11 tuổi, việc được đến võ đường tập luyện mỗi ngày là một niềm vui. Anh Nguyễn Thành Long (bố cháu Yến) ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ cho cháu đến đây học võ vì gần nhà và muốn cháu nâng cao sức khỏe, kỹ năng phòng vệ. Cháu còn nhỏ nên không đòi hỏi học được gì nhiều, còn lo cháu bỏ học, nhưng không ngờ, càng ngày cháu càng say mê học võ thuật, rất chăm chỉ luyện tập”.

Võ sư Nguyễn Văn Du hướng dẫn võ sinh tập đối kháng.

Võ sư Nguyễn Văn Du hướng dẫn võ sinh tập đối kháng.

Võ sư Nguyễn Văn Du cho biết: Tại võ đường, các võ sinh được học quyền thuật, binh khí nâng cao và đối kháng tự vệ. Mục đích của chúng tôi là giúp các võ sinh phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Do đó, bên cạnh việc dạy các kỹ năng phòng vệ, võ đường còn chú ý dạy võ sinh các kỹ năng khác, nhất là phép tắc khi giao tiếp, ứng xử. Ngoài ra, hằng tuần, các võ sinh được tham gia các buổi dã ngoại, giao lưu để tạo không khí cởi mở, gần gũi.

Tuy thành lập chưa lâu, nhưng trong hơn một năm qua, các võ sinh của võ đường đã tham gia nhiều hoạt động, như biểu diễn võ thuật tại các sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn, tham gia các cuộc thi võ thuật trong khu vực và toàn tỉnh. Trong số đó, có những võ sinh nhiều lần đoạt huy chương, tiêu biểu như Nguyễn Hoàng Yến, Bùi Gia Bảo, Nguyễn Văn Hoàng Phúc… Riêng Hoàng Phúc (học sinh Trường THCS Bắc Cường, thành phố Lào Cai) đã đoạt hai Huy chương Vàng biểu diễn binh khí tại Giải võ cổ truyền các câu lạc bộ võ thuật Hoàng Liên Sơn tỉnh Lào Cai lần thứ nhất và lần thứ hai cùng nhiều huy chương, giấy chứng nhận ở các giải khu vực. Phúc bảo: “Khi mới học võ, em cũng hơi ngại, nhưng sau thì thích vì có thể nâng cao sức khỏe, lại có thành tích. Bây giờ, ngoài giờ học văn hóa trên lớp, cứ chiều tối, em lại đến võ đường tập luyện”.

Thấy được niềm yêu thích võ thuật của học trò, võ sư Nguyễn Văn Du tin rằng, con đường mình chọn là chính xác, bởi xuất phát từ lòng đam mê và tình yêu võ thuật truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chị Bàn Thị Quý làm theo lời Bác

Chị Bàn Thị Quý làm theo lời Bác

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, dự báo nguy cơ cháy rừng cao, chị Bàn Thị Quý, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn Trà Chẩu, xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) cùng các thành viên trong tổ và cán bộ Công an xã Sơn Hà đến các hộ dân tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn các biện pháp sử dụng bình chữa cháy an toàn.

Đề xuất trợ cấp cho người từ 75 tuổi không có lương hưu áp dụng từ ngày 1-7

Đề xuất trợ cấp cho người từ 75 tuổi không có lương hưu áp dụng từ ngày 1-7

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội cho người từ 75 tuổi trở lên không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng và người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chưa hưởng lương hưu hay trợ cấp BHXH.

Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?

Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?

Từ đầu năm 2025, thuốc lá điện tử chính thức bị cấm bán và sử dụng tại Việt Nam. Quyết định này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc trong giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người vẫn loay hoay trong hành trình từ bỏ thuốc lá điện tử, thậm chí tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn.

fb yt zl tw