Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Đức Lợi từng có một truyện ngắn in trên Báo Văn nghệ có cái tên là: “Đời thì việc gì chả có”.
Với Bùi Quang Vinh cũng vậy, chỉ có điều anh đã hóa giải tất cả những nỗi niềm ấy vào chữ, viết như một cách tu thân của người quân tử như chính tác giả đã giãi bày: “Ban mai trong miền ký ức” như một hộp chứa những điều giản dị, chân thực thường ngày, quen thuộc đến độ rất dễ lãng quên, nhưng mỗi khi mở nó ra, tôi lại như thấy có gì đó mới lạ, lấp lánh, vụt tắt, hiện về. Ở đó, có những chiếc hộp khác chứa đựng những không gian khác cho tôi khám phá, trải nghiệm mà không gặp bất cứ một sự nguy hiểm nào...”.
Trong ấn phẩm gần 200 trang này, ta bắt gặp những nhan đề khá đặc biệt như "Hồn gạo", "Bóng khách", "Dòng xuân", "Vùng xoáy"... điều ấy đủ nói với chúng ta về một sự trải lòng không hề yên ả.
Thế nhưng, khi lật giở từng trang, độc giả lại bắt gặp một Bùi Quang Vinh yêu tha thiết làng quê của mình bằng một “tiêu cự” của tâm hồn viễn xứ: “Làng Văn Nội có cây đề ở cạnh đình, cây đa ở ngay chợ, cây gạo ở bên chùa. Có sự kết nối siêu nhiên giữa cây đề, cây đa, cây gạo. Sự kết nối tự nhiên giữa đình, chùa, chợ và sự kết nối tâm linh giữa Phật, thánh, thần. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một sự sắp đặt siêu nhiên. Cái làng ấy, cây đa đó, cây đề đây, cây gạo này và dân làng luôn luôn gắn bó với nhau, tồn tại bên nhau bằng chính ba sự kết nối đó là: Tự nhiên, siêu nhiên và tâm linh”.
Bùi Quang Vinh mạch lạc trong cấu tứ dẫu tản văn là thể loại khó minh định nhất. Ở thể loại truyện ngắn, các sáng tác của anh cũng giàu chất thơ. Truyện ngắn “Nụ cười mùa đông” là ký ức về một Hà Nội của thập niên 60 của thế kỷ XX với những ứng xử nhã nhặn, thanh lịch.
Nhiều đoạn văn có một chút gì đó mang hơi hướng của văn Thạch Lam: “Trước khi vào rạp, ông mua cho tôi một gói lạc rang húng lìu. Hà Nội đầu đông lạnh và hơi khô. Những chiếc lá vàng bay lạng rồi đậu nhẹ xuống vỉa hè, lăn dịu vài bước gió. Đưa bà và tôi vào rạp, ông lại leo lên yên xe xích lô nghiêng người đạp dấn, chỉ một chút đã mất dạng. Tôi ngủ gục trong lòng bà chẳng nhớ gì nội dung vở cải lương. Thấy mọi người lục tục ra về là tôi tỉnh hẳn. Ông tôi đã chờ sẵn ở cửa rạp, một tay bế tôi, một tay dắt bà tôi ra xe. Ông kéo mui xe che bớt gió nhưng bà tôi bảo, cứ để cho thoáng. Đêm Hà Nội đẹp như một bức tranh. Dãy đèn đường vàng chạy dọc giữa phố lung linh sương đêm. Những tiếng rao đêm ngắt quãng bởi gió bạt đi. Phố đang thì thầm một điều gì đó rất riêng và mơ hồ”.
Đọc “Ban mai trong miền ký ức” của Bùi Quang Vinh - một người xứ Hà Đông xưa - từ đất Mũi vọng về thấy những cảm xúc sâu lắng bởi một khoảng cách của không gian địa lý và độ lùi của thời gian. Có lẽ còn những điều thú vị đang chờ đón độc giả trong từng trang sách...