Nhà tôi nằm trên một ngọn đồi mênh mông nắng, mênh mông gió, xung quanh nhà chỉ có chè là chè. Dù trời nắng, mưa rào ào ạt hay ngày đông giá rét thì chè vẫn chồi ra những búp mầm xanh mướt. Chè không quản khó nhọc, cần mẫn phủ xanh những quả đồi vùng quê tôi.
Bố mẹ tôi cả năm quanh quẩn với cây chè. Hết thu hái lại đến làm cỏ, bón phân. Những ngày nghỉ, tôi cũng thường đi hái chè giúp mẹ. Mùa hè, quê tôi nắng lắm, mưa nhiều, thuận lợi cho cây chè phát triển tốt, rất nhanh được thu hái. Khi mùa thu đến thì cây chè ra búp chậm hơn và mùa đông thì búp lên càng chậm. Thường thường khi mùa đông đến, thời tiết vùng Tây Bắc vô cùng khắc nghiệt, cây chè thu mình lại để chịu đựng cái khô hạn buốt giá và sương muối. Sản lượng chè thu hái về mùa đông cũng vì đó mà rất thấp, cả tháng chỉ thu được một lứa. Bố kể cho tôi nghe, ngày tôi còn bé xíu, bố mẹ mới ra ở riêng. Đến mùa đông, chè cho sản lượng thấp nên bố mẹ bàn với nhau bớt một khoảng đất dưới chân đồi, dễ dẫn nước để trồng rau màu. Đất quê tôi tơi xốp giàu dinh dưỡng, những luống rau xanh tốt bời bời giúp cuộc sống gia đình phần nào bớt khó khăn.
Còn với cây chè, dù ngày đông cho sản lượng thấp nhưng càng về cuối đông khách đến mua chè càng nhiều. Mẹ thường không đủ chè cung cấp cho khách quen. Hái chè trong thời điểm này cũng rất công phu. Mùa hè, chè ra búp chi chít, xanh tốt bời bời mẹ có thể dùng liềm cắt. Mỗi ngày mẹ có thể thu hái cả tạ chè tươi nhưng đến ngày đông - xuân thì khác hẳn, cả ngày mẹ phải tỉ mẩn đứng bên hàng chè nảy từng búp nên nhiều nhất cũng chỉ thu hái được đôi chục cân búp tươi.
Chè xuân dù ít ỏi nhưng vị chát và thơm đậm đà hơn, “được nước hơn” chè thu hái vào những mùa khác trong năm. Do sản lượng chè xuân thấp nên đa phần các hộ làm chè về mùa này thường không chăm bón và thu hái. Họ tập trung những công việc khác cho thu nhập cao hơn. Mẹ tôi thì khác, mẹ chỉ làm thêm một ít rau dưới chân đồi còn đa phần dành để chăm sóc chè. Mẹ bảo, mình tần tảo với chè, đảm bảo sản phẩm cung cấp cho khách quen. Đặc biệt vào dịp tết đến, nhà nào cũng cần vài cân chè để uống, biếu, tặng người thân. Mẹ không muốn khách quen một năm nào đó phải đi tìm địa chỉ khác mua chè vào dịp tết. Lần đầu lên nương chè hái cùng mẹ ngày cuối năm, những cơn gió bấc thông thốc thổi táp vào mặt lạnh khô. Tôi thường thiếu tính kiên nhẫn, chỉ hái vội những búp lớn nhô lên trên ngọn và thường bỏ hàng chạy rất nhanh. Mẹ thì tỉ mẩn đứng bên hàng chè nảy từng búp lớn, nhỏ. Mẹ bảo tôi:
- Con gái phải học tính kiên trì.
Tôi phân bua:
- Hái mãi không được một nắm, con nản mẹ ạ!
Mẹ vẫn kiên nhẫn thuyết phục con gái:
- Mùa này chỉ được có vậy. Cây cho búp để hái, có thêm thu nhập là quý lắm rồi. Việc nhỏ con không làm được thì sau này làm sao làm được việc lớn!
Dù biết lời mẹ dạy là đúng, nhưng cô gái mới lớn trong tôi vẫn chưa tập làm quen ngay với công việc này. Và tôi thường “trốn” việc bằng cách dềnh dàng cho đến non trưa thì gom hết chè cho vào bao tải và bắt chước mẹ đội về nhà. Tôi bảo với mẹ: Con về trước nấu cơm, mẹ hái một chút nữa rồi về ăn cơm mẹ nhé! Mẹ nhìn theo con gái, cười hiền khô trong cái lạnh cắt thịt ngày giáp tết.
Sau bữa cơm trưa, mẹ lại nhanh chóng lên nương hái chỉ đủ mẻ sao. Nhà bác Chải - hàng xóm có dụng cụ sao chè. Mẹ thường chỉ hái đến ba giờ chiều là mang về nhà bác thuê sao. Bác Chải đốt lò bằng củi. Những thanh củi to cháy đượm trong lò. Bác và anh Trung cho chè vào chiếc lò to như chiếc thùng phi. Chè trong lò quay đều, anh Trung trông lửa làm sao để bếp ở nhiệt độ thích hợp nhất. Anh bảo từ khi anh học nghề sao chè đã được mẹ anh truyền dạy cho cách canh lửa phù hợp với từng loại chè; nhiệt độ không chỉ hợp với từng loại chè mà còn phải phù hợp với từng mùa, từng giai đoạn trong một mẻ sao. Sau khi làm khô tới độ vừa phải thì cho vào cối vò chè.
Công đoạn vò chè cũng phải canh chừng cẩn thận. Cho đủ số chè, cối có thể vò và vò không quá nhanh cũng không quá chậm với một thời gian vừa phải, khi ấy các lá chè bị dập, dịch tiết ra bề mặt thớt, ướp hương vào từng búp chè xoăn lại tạo hình. Đến khoảng nửa đêm thì mẻ chè hái lúc ban ngày đã thành phẩm. Bác Chải đóng gói vào bao nilong to cẩn thận cho mẹ. Chiều hôm sau, trong khi chờ bác sao mẻ mới, mẹ mang chè về đổ ra nia, nhặt và sàng sảy sạch những cọng, lá, chè cám… rồi đóng gói.
Mùa qua mùa, ngày qua ngày, cả ngôi nhà tôi lúc nào cũng thơm mùi trà khô. Đôi bàn tay mẹ nhăn nheo, thô ráp nhưng đổi lại là niềm vui của khách hàng. Niềm vui của những người mê thức uống dân dã mà tao nhã ý vị. Và hơn hết cả, đôi bàn tay của mẹ với hương chè vấn vít quanh người đổi lấy những đồng tiền dù ít ỏi những chị em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn.
Gió bấc tràn về, đường phố Hà Nội - nơi tôi đang học tập - trở nên đẹp và lãng mạn với những gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu. Tôi mải miết nhìn những bông cúc họa mi rung rinh trên bàn học. Không hiểu sao tôi lại nghĩ, những bông cúc họa mi trắng tinh khôi kia là những bông hoa chè trên nương chè xanh mướt nơi quê nhà.