Dáng người tầm thước, khuôn mặt cương nghị, giọng nói vang như trống lệnh, ông Châu A Dế, dân tộc Mông, ở thôn Sâu Chua, xã Sa Pả (Sa Pa), năm nay bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, song, ông vẫn ham mê với nghề trồng cây. Ông hồ hởi nói, Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây…”, tôi làm theo lời Bác dạy và đã tạo dựng được vườn cây, quả ở xứ lạnh vùng cao này đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Châu A Dế (người bên phải),trao đổi kỹ thuật chăm sóc lê Tai nung.
Đưa chúng tôi thăm vườn lê Tai nung xanh tươi, ông kể: Lâu nay, người dân ở đây đã quen thuộc với cây lê ăn quả, nhưng nay có giống lê Tai nung mới, cho nhiều quả, giá bán cao gấp đôi so với giống cũ thì ai cũng phấn khởi. So với trồng giống lê cũ, giống lê Tai nung dễ trồng hơn rất nhiều, ít công chăm sóc, lại nhanh cho quả và đặc biệt là giá trị kinh tế đạt cao. Sau 3 năm, vườn lê Tai nung ông Dế trồng đã bói lứa quả đầu tiên, trung bình mỗi cây cho 10 kg, với giá bán tại vườn là trên 15.000 đồng/kg - không cây gì ở đây có thể cho thu một năm trên 150.000 đồng. Kết quả cho thấy cây lê Tai nung càng lâu năm, càng xanh tốt, quả càng nhiều. Đây là cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao...
Mặt trời đứng bóng, ông Dế nhanh tay buộc lại bờ rào trúc bảo vệ vườn lê. Vừa làm ông vừa kể: Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, năm 1965, Ban Định canh - Định cư huyện Sa Pa chọn thôn Sâu Chua quê tôi làm điểm sản xuất giống hạt su hào cung cấp cho các nơi. Tôi là người đầu tiên xin vào làm xã viên hợp tác xã. Sau ngày đất nước thống nhất vài năm, hợp tác xã giải thể, tôi trở về với nghề làm ruộng, nương và chăn nuôi. Sau nhiều năm làm xã viên sản xuất giống rau, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản giống. Đầu năm 2010, biết tin Trạm Giống cây ăn quả ôn đới huyện Sa Pa nhân thành công giống lê Tai nung (có nguồn gốc Đài Loan), tôi nhận về trồng 60 cây giống lê này. Buổi đầu, thấy tôi cặm cụi trồng và chăm sóc, dân bản không hiểu, cho là đốc chứng gàn, bởi giống lê mới sao tốt bằng giống cũ. Khi cây lê bén rễ lên xanh thì bị đàn dê và trâu thả rông vào tàn phá, nhưng tôi không nao núng. Bỏ mặc xung quanh lời đồn thổi, tôi kiên trì rào dậu quanh vườn và chăm sóc 40 cây lê còn lại. Tâm huyết của tôi đã được đền đáp xứng đáng, năm 2013, vườn lê ra hoa, kết quả to, ăn có vị thơm ngon hơn hẳn giống lê cũ, bán được giá cao. Tôi vui sướng dồn hết đất trồng lê giống cũ và đất trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng lê Tai nung. Tôi còn liên kết với ông Châu A Sàng, ông Châu A La, ông Lù A Páo góp đất để mở rộng vườn lê... Ông Dế khẳng định: Thổ nhưỡng và khí hậu ở Sâu Chua rất phù hợp với việc trồng cây ăn quả ôn đới, nhất là lê Tai nung và mang lại lợi nhuận cao, bởi ít rủi ro hơn so với trồng một số loại cây khác. Ngoài ra, trồng lê không đòi hỏi như ngô, lúa là phải có ruộng, nương và cung cấp nước thường xuyên, mà có thể trồng ở những sườn đồi dốc hay bên khe đá hẹp và không phải tưới nước thường xuyên. Nguyện vọng của ông và bà con Sâu Chua là mong được các ngành chuyên môn quy hoạch vùng chuyên canh cây lê đặc sản để có sản phẩm ổn định, lâu dài cung ứng cho thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu lê Tai nung cho vùng quê Sâu Chua, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Đang vui câu chuyện, bỗng có tiếng ai đó chào vang ở cuối vườn lê, ông Dế ngoảnh lại và nhận ra người bạn già Giàng A Vảng, ở thôn Giàng Tra. Ông Vảng cười, không giấu nổi niềm vui, khoe với chúng tôi là ông vừa “tậu” được 40 cây lê Tai nung đem về trồng ở vườn nhà, hôm nay đến gặp ông Dế để nhờ hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, chiết ghép nhân giống cây. Không giấu bí quyết với người bạn già, ông Dế say sưa giảng giải kỹ thuật và thực hành tại chỗ. Theo kinh nghiệm của ông Dế, điều quan trọng nhất là phải biết chọn giống chất lượng tốt, khỏe mạnh. Ông Dế bảo: Khi trồng cây phải biết tưới, điều này tưởng đơn giản, nhưng lại thật khó bởi khí hậu ở
Chia tay tôi, ông Dế bảo: Ai cũng làm theo lời Bác dạy thì quê hương, đất nước mình sẽ giàu và đẹp như Bác mong muốn! Tôi hiểu hàm ý câu nói và niềm tin của ông đối với Bác kính yêu và ông đã “biến” niềm tin thành hiện thực. Vườn lê Tai nung ông trồng đã đơm hoa kết quả ở mảnh đất vùng cao còn nhiều gian khó này.