
Tượng thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám trong đền Thề.
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế từng là nơi nuôi dưỡng, bao bọc, che chở cho cuộc khởi nghĩa bền bỉ nhất, tiêu biểu nhất cho sức chiến đấu, tinh thần bất khuất của nhân dân Bắc Giang nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo.
Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884 tại Bắc Giang, do Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) khởi xướng và lãnh đạo, rồi lan rộng ra các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và một phần tỉnh Lạng Sơn. Những dấu tích, địa điểm lịch sử về cuộc khởi nghĩa này còn khá đậm nét trên vùng đất Bắc Giang, với 41 điểm di tích, hầu hết là những đồn lũy, đình, đền, chùa, miếu trải rộng trên địa bàn 4 huyện: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng. Đó là những di tích gắn liền với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - hùm thiêng Yên Thế - và cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913). Để ghi nhận và tôn vinh những giá trị, ý nghĩa độc đáo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với khu di tích này. Theo đó, tại huyện Yên Thế có 9 di tích, cụm di tích được xếp hạng, gồm đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, đồn Hom, đền Thề, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai; huyện Tân Yên có 12 di tích, cụm di tích, gồm: Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, cụm di tích Cầu Vồng, đền thờ Cả Trọng, ao Chấn Ký, nghĩa địa Pháp, đồi Phủ, đình Dương Lâm, đình Cao Thượng, đền Gốc Khế, đình Làng Chuông, chùa Phố, đình Nội. Ngoài ra còn đình Đông (Việt Yên) và chùa Kem (Yên Dũng).
Một trong những điểm nhấn và là trung tâm của khởi nghĩa Yên Thế là đồn Phồn Xương tại Cầu Gồ (Yên Thế). Đồn được xây dựng năm 1894, được xem là "đại bản doanh" của nghĩa quân, nơi Hoàng Hoa Thám và toàn bộ "Ban tham mưu" của cuộc khởi nghĩa tập trung tại đây để điều hành, lãnh đạo nghĩa quân, tuyển chọn, luyện tập quân lính… Tại đồn Phồn Xương từng diễn ra nhiều hoạt động, sinh hoạt của nghĩa quân Yên Thế trong thời kỳ hoà hoãn (1894 - 1909), như thổi cơm thi, đấu vật, làm bánh, cưỡi ngựa bắn cung và các đêm hát xướng vui nhộn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến dự. Ngày hội xuống đồng, cả tướng lĩnh và nghĩa quân đều hăng say tham gia lao động sản xuất.
Ngoài các điểm di tích kể trên, tại Bắc Giang còn khá nhiều di tích in đậm dấu ấn phong trào khởi nghĩa Yên Thế, như đình Đông (Việt Yên) - nơi diễn ra lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám; nghĩa địa Pháp (Tân Yên) - nơi chôn cất hài cốt các sỹ quan, binh lính Pháp sau khi bị nghĩa quân Yên Thế tiêu diệt; chùa Lèo - nơi đón tiếp khách khi đến thăm Đề Thám và là trạm chuyển tiếp thư từ, tài liệu của nghĩa quân; đồn Hom được bố trí nằm sâu trong rừng Yên Thế, đây là căn cứ an toàn của cuộc khởi nghĩa, nơi diễn ra hai trận chiến đấu nổi tiếng vào tháng 3/1892 và tháng 2/1909 khiến nhiều lính Pháp phải bỏ xác trên cánh đồng Hom; đền Thề là nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ tế cờ trước khi xuất quân đánh Pháp; chùa Kem (Yên Dũng) là địa điểm mà nghĩa quân Yên Thế đã về tụ binh, đắp luỹ, làm tường thành và luyện tập quân sự; cụm di tích Cầu Vồng - nơi Đề Thám cùng các nghĩa quân làm lễ tế cờ trong mỗi lần xuất quân đánh trận, vào các ngày tuần rằm, đặc biệt ngày sự lễ hội làng, Đề Thám thường cho quân lính sắm lễ vào dâng hương lễ tạ tại cụm di tích này…
Hơn 100 năm đã qua, những dấu tích lịch sử về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế vẫn còn lưu giữ trên quê hương Bắc Giang rất đậm nét, tạo thành một hệ thống di tích dày đặc. Được biết, những năm qua, ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang đã từng bước đầu tư tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Giang cũng đã xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết phần lễ hội tại các điểm di tích này, phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thăm dò, khai quật một số nơi, như đồn Hố Chuối, đồn Hom, đền Quan Lớn… và thu được nhiều hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hoá. Ngành cũng hoàn thiện quy hoạch tổng thể bảo tồn hệ thống di tích và lập đề án nâng cấp lễ hội Yên Thế thành lễ hội cấp quốc gia; xây dựng kế hoạch, chương trình quảng bá, giới thiệu rộng rãi về khu di tích đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời phát triển các tour, tuyến du lịch gắn với những điểm đến tiêu biểu. Ngoài ra, có kế hoạch thu hút xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo một số điểm di tích trọng điểm, như đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, chùa Thông… nhằm biến nơi đây trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của cha ông ta...

Thăm Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thế (đơn vị quản lý nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế và các điểm di tích trên địa bàn huyện Yên Thế) cho biết: Việc tổ chức lễ hội truyền thống với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh theo tinh thần mà Hoàng Hoa Thám từng nói: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy, dù có phải hy sinh cả tính mạng", nhiều nét truyền thống trong lễ hội đã được khôi phục, như tục phóng ngư, thả điểu, cưỡi ngựa bắn cung tên, thổi cơm thi, tái hiện lễ tế cờ… là một trong những biện pháp hiệu quả để phát huy giá trị khu di tích đặc biệt này.
Cảm xúc trào dâng khi được mắt thấy tai nghe về cuộc khởi nghĩa nông dân hào hùng mà trước đây chỉ được biết qua những bài học lịch sử, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng, bởi ngoài nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế được xây dựng khang trang, còn đa số những đồn binh thời trận mạc mà Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân đã gắn bó mấy chục năm, nay rơi vào hoang phế. Chẳng hạn như khu đồn Hom (thuộc bản Hom, xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế) chỉ còn là một khoảng đất rộng và bằng phẳng với những dấu vết tường thành, những hào sâu đã phủ kín rêu xanh, cây bụi cùng những hố khai quật khảo cổ học mà Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tiến hành vài năm trước. Hoặc như khu đồn Hố Chuối (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế) giờ đã được người dân trồng kín hoa màu. Ngay như "Đại bản doanh" Phồn Xương, các công trình kiến trúc cũ bên trong đã bị đổ nát toàn bộ...
Kết thúc bài viết này, xin được trích câu bình luận về sự nghiệp của Đề Thám, do Hênêcon - một sĩ quan Pháp từng tham gia chống khởi nghĩa Yên Thế - viết: "Khi mặt đất phủ đầy bóng tối đã ló ra dấu tích của ông và đồn Hữu Nhuế (đồn Hố Chuối), tôi cảm thấy mình đang bay bổng cùng huyền thoại về một con người anh hùng mà chắc chắn sẽ sáng mãi với các thế hệ người Việt Nam...".