Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, Lào Cai trở thành mục tiêu của thực dân Pháp trong suốt những năm tháng chiến tranh. Địch muốn giữ chặt vùng biên giới này để làm căn cứ quân sự nhằm dễ dàng kiểm soát các hoạt động giao thương và liên lạc qua biên giới.
Tuy nhiên, quân, dân Lào Cai đã kiên cường, đồng lòng chiến đấu, giải phóng quê hương vào ngày 1/11/1950. Đây không đơn thuần là một chiến thắng quân sự, mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, quyết tâm của quân và dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh.
Vừa bảo vệ thành quả cách mạng, vừa bắt tay tái thiết quê hương, những năm sau đó, quân và dân Lào Cai tiếp tục công cuộc tiễu phỉ, đóng góp sức người, sức của cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Đặc biệt, 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, quân và dân Lào Cai lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Dù quê hương bao lần khói lửa, dù trải qua những cuộc chia ly, nhưng với tinh thần đoàn kết ý Đảng - lòng dân, Nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng quyết tâm xây dựng quê hương. Người Lào Cai đã trở lại tái thiết quê hương với niềm tin phơi phới được tạo cảm hứng từ luồng gió đổi mới toàn diện đất nước do Trung ương Đảng khởi xướng.
Ngày tái lập năm 1991, Lào Cai là tỉnh đứng cuối trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, lạc hậu. Bằng truyền thống và tinh thần cách mạng, người Lào Cai đã cùng nhau vượt qua mọi gian nan, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hơn 3 thập niên mải miết dựng xây, từ “cốt 0”, Lào Cai hôm nay đã trở thành một trong những địa phương phát triển ở khu vực Tây Bắc. Hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội được đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, Lào Cai đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm nhờ thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Các khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế đã và đang mang lại những bước tiến lớn trong giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện cho tỉnh.
Trong quá khứ, người Lào Cai từng anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương. Những di tích như Soi Cờ, Soi Giá, khu du kích Gia Lan; tiếng trống võ trang Cam Đường đã trở thành bất tử; chiến thắng đồn Phố Ràng, đồn Phố Lu, đồn Khau Co đã trở thành chứng tích một thời đấu tranh oanh liệt và sáng ngời tinh thần quật cường, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của người Lào Cai.
Âm hưởng của những tháng ngày sục sôi đấu tranh anh dũng tiếp tục ngân vang, truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và quân, dân Lào Cai trong công cuộc xây dựng quê hương những năm sau này, trở thành tài sản vô giá, làm nên bản sắc, ý chí vượt khó của người Lào Cai. Liên tục trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đều đạt hơn 10%, một con số ấn tượng ít tỉnh duy trì được trong suốt chặng đường dài như vậy. Từ hoang tàn đổ nát, vành đai trắng, đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.
Thật tự hào xiết bao!
Với tinh thần đoàn kết thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều quyết sách táo bạo, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bứt phá, từ thế “cuối đường hầm” trở thành đầu cầu kết nối, trung tâm giao thương và là cửa ngõ của Việt Nam và các nước Asean với Trung Quốc.
- Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai -
Tỉnh đã chủ động xây dựng các chính sách, định hướng phát triển mang tính chiến lược, toàn diện; ban hành các nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra bước đột phá trong phát triển; chủ động đề xuất với Trung ương cho phép thực hiện cơ chế đặc thù thay vì đề xuất cấp ngân sách cho địa phương.
Giai đoạn 2020 - 2025, Lào Cai đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023. Tỉnh Lào Cai là địa phương đầu tiên trong các tỉnh miền núi phía Bắc và thứ 6 trong cả nước hoàn thành và công bố quy hoạch cấp tỉnh.
Theo quy hoạch này, chặng đường phát triển những năm tới của tỉnh cơ bản đã định hình rõ nét với 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột phát triển và 5 nhiệm vụ trọng tâm để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc, phù hợp với quan điểm, chủ trương phát triển chung của vùng và cả nước.
Cùng với các dự án lớn của Trung ương, địa phương được triển khai trong thời gian tới như dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối với tuyến đường sắt Á - Âu và dự án Cảng Hàng không Sa Pa, khi đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để Lào Cai phát triển, nhất là lĩnh vực du lịch, kinh tế đối ngoại và logistics. Lào Cai đang đứng trước những cơ hội “vàng” để vươn mình lớn dậy và cũng đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bước vào một chu kỳ phát triển mới, chẳng khác gì những kỳ tích đã làm được trong quá khứ.
Trong bài phát biểu tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho giai đoạn tới, rằng Lào Cai sẽ vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quân và dân Lào Cai từng anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương. Hôm nay vẫn tiếp tục phát huy hào khí cách mạng, không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, vững mạnh, phồn thịnh.
Lào Cai không chỉ là biểu tượng của sự kiên cường trong chiến đấu, mà còn là minh chứng cho sức mạnh đổi mới và phát triển trong thời bình. Những thành tựu đạt được hôm nay là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của toàn thể quân và dân, là niềm tự hào về một vùng đất đã và đang không ngừng tiến bước về phía trước, vang mãi hào khí cách mạng của những ngày tháng oai hùng.