Vẫn lo bạo lực học đường

Trong tuần qua, hai vụ học sinh đánh nhau liên tiếp được đăng tải trên mạng xã hội. Câu chuyện không mới nhưng lại thêm báo động về thực trạng này. Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường và tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh?

Hình ảnh hai nữ sinh ở Phú Thọ đánh nhau và người nhà một nữ sinh đánh học sinh. Ảnh cắt từ clip.

Ngày 14/3, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh nắm tóc, đánh liên tiếp vào mặt bạn… ngay trong lớp học trước sự chứng kiến, cổ vũ của bạn bè. Lãnh đạo UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng xác nhận với báo chí, “vụ việc đáng tiếc này xảy ra tại lớp 6A9, Trường THCS Châu Văn Đơ”.

Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Đơ, vụ việc xảy ra do một nữ sinh làm hỏng cây son của bạn. Khi hai bạn đánh nhau có các bạn cùng lớp chứng kiến, không can ngăn, trong đó có 2 học sinh quay phim, ghi lại hình ảnh bằng điện thoại.

Trước đó, đoạn video ghi lại cảnh nữ sinh đánh bạn tới tấp trong sân trường cũng được lan truyền. Theo nội dung clip, có nữ sinh mặc áo đồng phục đẩy bạn mặc áo sơ mi trắng xuống đất, dùng mũ bảo hiểm liên tục đánh vào đầu, mặt bạn. Một học sinh nam tiến tới can ngăn cũng bị 3 nữ sinh khác túm lại, không tiếp cận được. Được biết, hai nữ sinh trong đoạn clip là học sinh Trường THPT Mỹ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Ông Tạ Duy Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn cho biết: Nhà trường đã lập biên bản, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Theo thông tin ban đầu thì do hai em có mâu thuẫn cá nhân. Nhà trường báo công an xã Lam Sơn và công an huyện Tam Nông phối hợp điều tra để có thông tin chính xác. Đồng thời mời phụ huynh, học sinh, giáo viên chủ nhiệm đến làm việc; gửi báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Tam Nông và Sở GDĐT Phú Thọ để có hình thức xử lý học sinh vi phạm.

Theo chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Tùng Lâm, bạo lực học đường có thể gây tổn thương tâm lý cho cả người có hành vi bắt nạt và người bị bắt nạt. Khi ảnh hưởng kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Các học sinh đang ở tuổi thay đổi cả về tâm sinh lý, nên nhận thức không ổn định, bị xáo động bởi nhiều tác động từ môi trường xung quanh.

Nếu người lớn không định hướng, giúp các em làm chủ được cảm xúc, làm chủ được suy nghĩ đúng đắn thì sẽ phát sinh vấn đề, trong đó có bạo lực. “Không thể chỉ tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trước mắt là những nhu cầu vật chất, mà chúng ta còn phải để các em thấy được giá trị con người, giá trị trí tuệ của mình trước bạn bè, gia đình và xã hội. Khi đó, các em sẽ tự có nhu cầu để phát triển đúng đắn và đúng hướng”, ông Lâm nói.

Cách nào phòng tránh?

TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, công tác giáo dục nói chung, phòng chống bạo lực học đường nói riêng cần bám vào “3 chữ lý” gồm: tâm lý, quản lý và pháp lý.

Giáo dục cần phù hợp tâm sinh lý học sinh thuộc từng lứa tuổi, từng cấp học và phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương. Các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục giá trị sống (giá trị yêu thương, tôn trọng, tha thứ, rút kinh nghiệm chịu trách nhiệm…), kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…) vào chương trình chính khóa một cách nghiêm túc.

Các giờ dạy giá trị sống, kỹ năng sống có thể đặt ra nhiều tình huống để học sinh được trải nghiệm và biết cách giải quyết khi có vấn đề. Cùng với đó, học sinh cần được tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng sống, xây dựng văn hóa phát triển bản thân.

Về công tác quản lý của nhà trường phải đề cao tính kỷ luật, thầy ra thầy, trò ra trò, phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong vấn đề quản lý, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lực lượng hỗ trợ, giám sát để kịp thời phát hiện và đảm bảo an ninh an toàn trường học.

Yếu tố rất quan trọng thứ ba là pháp lý. Trong các vụ bạo lực học đường, học sinh không những sai mà còn vi phạm pháp luật. Nếu gây nên hành vi vi phạm pháp luật, các em phải đối diện với những quy định của pháp luật.

Cũng về vấn đề này, TS Bùi Hồng Quân - giảng viên khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay: Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục ở TPHCM có tiêu chí quan trọng, “tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, bao dung, công bằng”.

Khi có một tình bạn đẹp, thì chắc chắn mỗi ngày đến lớp được gặp bạn sẽ là một ngày vui vẻ, hạnh phúc. Chắc chắn rằng, nếu các em có một tình bạn đẹp thì sẽ không có cơ sở để phát sinh bạo lực học đường. Và bạo lực cũng sẽ không xảy ra nếu như các em hành xử một cách đúng mực khi có sự khác biệt về suy nghĩ với người khác. Khi xảy ra mâu thuẫn, khác nhau về suy nghĩ, các em có thể chọn cách giải quyết là trao đổi, thảo luận, hoặc có thể thông tin cho thầy cô hoặc người lớn chứ không chọn giải pháp bằng bạo lực. Lúc đó bạo lực sẽ không có cơ hội xảy ra.

Còn ThS Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Để xây dựng trường học hạnh phúc, không có bạo lực học đường, vị trí việc làm tâm lý học đường trong trường học là rất cần thiết. Tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã nêu ra những quy định chung, nội dung và hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý, điều kiện đảm bảo thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và tổ chức thực hiện.

Nhân sự được đào tạo bài bản sẽ có đủ kiến thức chuyên môn để hỗ trợ học sinh; chuyên tâm với công việc để phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em có nhu cầu, đồng thời họ cũng triển khai các chương trình phòng ngừa, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, kết nối các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Mới đây, Bộ GDĐT cũng ban hành Thông tư 20 năm 2023 thay thế Thông tư 16 năm 2017 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn. Hy vọng trong thời gian tới, khi các kênh hỗ trợ tâm lý trong trường học thực hiện bài bản, các vấn đề tiêu cực trong trường học sẽ được giảm bớt. Đây cũng là lần đầu tiên các trường công lập của Việt Nam có nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh.

Báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Sáng 12/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024.

fbytzltw