Giáo dục đạo đức cho thanh niên đã và đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, đặc biệt là sự xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa nước ngoài – giữa giai đoạn đặc biệt của lịch sử hội nhập. Bởi vậy việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên không chỉ là vấn đề cần thiết mà còn rất cần kíp.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng đang gặp nhiều thách thức trong quá trình hội nhập. Đó có thể là những phức tạp trong diễn biến hòa bình, thách thức trong cạnh tranh kinh tế quốc tế, hay sự xao lãng của người dân, đặc biệt là thanh niên đối với văn hóa dân tộc…
Những thách thức này, nếu chuyển hóa được và giải quyết một cách thấu đáo, sẽ trở thành những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Bằng không, sẽ trở thành những mối hại lâu dài cho sự nghiệp phát triển bền vững của dân tộc.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội tiêu thụ, ở đó sức mạnh của đồng tiền có thể làm phai nhạt những bản sắc văn hóa, mối quan hệ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội, giữa người và người với nhau. Các thể loại nhạc, đồ ăn nhanh… có thể giúp cho thói quen thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực của chúng ta phong phú hơn, nhưng cũng khiến các loại hình nghệ thuật, ẩm thực truyền thống bị mai một. Đó chính là hai mặt trong bất kỳ sự hội nhập quốc tế nào”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong việc xác định mối liên hệ lịch sử, xác định giá trị của mỗi cộng đồng. Văn hóa truyền thống luôn là cột trụ để xác lập nền tảng giá trị dân tộc và đề kháng những tác động tiêu cực đối với nền văn hóa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên là việc làm cấp thiết, giúp thanh niên ý thức và tự hào về giá trị của văn hóa dân tộc. Việc giáo dục này giúp họ hình thành bản lĩnh trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Văn hóa truyền thống cần trở thành nền tảng trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên. Có hiểu những văn hóa truyền thống, thanh niên mới biết cách khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm để Việt Nam có thể hội nhập tốt hơn vào đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa của thế giới.
“Để những giá trị dân tộc được trường tồn, chúng ta cần nhấn mạnh đến công tác giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thành niên. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Trước hết, là sự thống nhất nhận thức và hành động từ Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể (đặc biệt là tổ chức đoàn) và các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Thứ ba, phải được thực hiện theo những cách thức phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức và cách thể hiện”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Theo giới chuyên gia, việc giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên với nền tảng văn hóa truyền thống là điều đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ không dễ dàng, bởi ngày nay – một bộ phận không nhỏ sống buông thả, vô trách nhiệm, chỉ chăm chú đến hưởng thụ, ăn chơi.
Ngày nay, rất ít người trẻ am hiểu đến vốn văn hóa truyền thống. Ví dụ như các loại hình hát bội, hát xoan, dân ca quan họ, hát ví dặm… có khi ngay cả thanh niên sinh ra và lớn lên ở vùng quê có loại hình văn hóa ấy cũng chưa chắc đã am hiểu.
Thậm chí, ngay việc đình làng mình thờ vị Thành hoàng làng có tên là gì, có công lao gì… người trẻ cũng không biết. Các nghi lễ, nghi thức cúng tế hầu như không được người trẻ quan tâm. Ngay cả nền nếp trong gia đình, như gia phả, gia huấn, gia pháp, gia quy… cũng không tồn tại trong khái niệm sống hiện đại.
Bởi vậy, dù việc giáo dục thanh niên theo hướng tốt đẹp của văn hóa truyền thống là hướng đi đúng, nhưng cũng là thách thức. Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và toàn xã hội cần coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể dài hơi.