Nhạc sĩ Văn Cao được coi là "Cây cổ thụ" của nền nghệ thuật Việt Nam. Những bài hát của ông đã đi cùng những năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hòa bình.
Nhạc sĩ Văn Cao (quê ở Vụ Bản, Nam Định), sinh ra tại Hải Phòng. Thuở nhỏ Văn Cao học tại trường Bonal (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), sau chuyển sang trường SaintJoseph. Ông từng làm nhân viên Sở Bưu điện Hải Phòng, bắt đầu sáng tác thơ, viết văn xuôi và viết ca khúc từ năm 1939. Đa tài với thơ, nhạc, họa, nhưng có lẽ âm nhạc mới là lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất. Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng 50 ca khúc), nhưng hầu hết các tác phẩm đều ở lại rất lâu trong lòng người yêu nhạc. Từ ca khúc đầu tiên “Buồn tàn thu” sáng tác năm 1939 khi ông mới 17 tuổi, rồi lần lượt cho ra đời: Cung đàn xưa (1940), Thiên Thai (1941), Bến xuân (1942), Suối mơ (1943), Tiến quân ca (1944), Đàn chim Việt (chuyển từ Bến xuân- năm 1946), Làng tôi (1947), Trường ca sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội (1948)... đã khẳng định tài năng thiên phú của Văn Cao. Năm 1975, khi đất nước được giải phóng, nhạc sĩ của Quốc ca Việt Nam tự nhận thấy rằng ông phải có trách nhiệm viết một cái gì đó để “khép lại” cuộc chiến đấu đã kéo dài trong nhiều năm của dân tộc. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” được sáng tác dịp Tết Bính Thìn năm 1976 - mùa xuân đầu tiên của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp, cũng trở thành một tuyệt phẩm của người nhạc sĩ. Nói về sự nghiệp của Văn Cao, bên cạnh những sáng tác âm nhạc nổi danh, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đánh giá: “Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình, nhà thơ Văn Cao chỉ để lại một trường ca và một tập thơ khoảng 100 trang in, nhưng giá trị nghệ thuật thi ca là đặc biệt và còn mãi với thời gian.” Từ những bài thơ đầu tiên được sáng tác trước 1945, Văn Cao đã để lại dấu ấn trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám với “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, được nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho là “có thể sánh ngang với những tuyệt phẩm Thơ Mới theo mô tip đàn - đêm - trăng - nước, như “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu, hay “Đà giang” của Vũ Hoàng Chương”: Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi. Hai bài thơ đặc sắc khác in dấu một phong cách độc đáo của Văn Cao ở giai đoạn đầu trong hành trình thơ ông là “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” (viết năm 1945) và “Ngoại ô mùa đông” năm 1946, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 3/1948. Đường thơ Văn Cao tiếp tục có bước phát triển quan trọng qua một trường ca được đánh giá là kiệt tác, đó là “Những người trên cửa biển”, được ông viết vào mùa xuân năm 1958 với câu mở đầu về nơi ông được sinh ra “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng”. Nói về thơ của Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Văn Cao còn có những bài thơ viết riêng về Hà Nội và Huế, những bài thơ viết như trút gửi tâm sự cùng các bạn bè thân thiết nhất của mình (Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyên Hồng, Dương Tường). Tất cả đều lạ, và hay. Ít nhưng chất, có thể nói ngắn gọn như vậy về thơ trong cái tam vị nghệ thuật thơ, nhạc, họa của Văn Cao. Với thơ, có thể nói, Văn Cao đã có đủ để trả nợ cho tiếng Việt, cho cái định mệnh nghệ sĩ, đủ để trả nợ cho cuộc đời đầy những ngổn ngang này. “Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình/ Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”.
Tuyển tập “Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người” sẽ được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: NM
Với hội họa, sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu. Ở “Triển lãm duy nhất” (Salon Unique) đầu năm 1944, ba bức sơn dầu của ông: “Cô gái dậy thì”, “Thái Hà ấp đêm mưa” và nhất là bức “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc. Ba bức tranh được treo ở nơi trang trọng nhất của phòng tranh Hội Khai Trí Tiến Đức” (Trích “Văn Cao - Những tài danh âm nhạc Việt Nam” của Nguyễn Thụy Kha). Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, từ sau năm 1956 đến khi đổi mới năm 1986, Văn Cao họa sĩ sáng tác nhiều hơn Văn Cao nhạc sĩ, đời sống khó khăn, tay trái nuôi tay phải qua ngày, nhưng ông vẫn vui với “mùa bình thường, mùa vui nay đã về” (Mùa xuân đầu tiên). Ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, ký họa chân dung. Hàng trăm bức tranh minh họa cho báo Văn nghệ, rất nhiều bìa sách ông làm cho các nhà xuất bản Thanh niên, Phụ nữ, Ngoại văn, một số chân dung bạn bè văn nghệ sĩ thân quen… đã được công chúng đánh giá cao. Bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái cùng Văn Cao trong giai đoạn này là những người có công lớn trong việc cách tân minh họa. Minh họa của các ông không chỉ là minh họa, nó là những tác phẩm độc lập. “Văn Cao vẽ nhiều biếm họa nhưng cốt yếu của hội họa vẫn phải là những tác phẩm sáng tác bằng sơn dầu như “Chân dung nhà văn Đặng Thai Mai”, “Thanh niên vùng cao”, “Chân dung ông Lâm”. Đặc điểm dễ nhận biết nhất trong thẩm mỹ hội họa của ông chính là kết hợp hài hòa giữa hội họa và đồ họa. Tạo hình bằng nét kết hợp mảng phẳng, không sa vào chi tiết, bỏ qua kiểu vờn tỉa, tả khối, sáng tối”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ. Ghi nhận những đóng góp sáng tạo của Văn Cao trong sự nghiệp cách mạng, ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Như một “món quà tưởng nhớ” dành tặng đến người nghệ sĩ tài danh nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức chương trình tọa đàm “Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người” trong ngày 14/11. Cùng với đó, tuyển tập 21 bài viết ở thể loại tiểu luận - nghiên cứu của 21 tác giả về “Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người” (VOV6 là cơ quan chủ biên) cũng sẽ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành nhân dịp này. Học giả Đặng Thai Mai từng khẳng định: “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”. Tròn 100 năm ngày sinh của một bậc tài danh, tác giả của Quốc ca Việt Nam, người đã cháy hết mình cho một hành trình “thác lũ nghệ thuật”, những đóng góp của nhạc sĩ - họa sĩ - nhà thơ Văn Cao với quê hương đất nước càng được ghi khắc, ngợi ca.