Mô hình được thành lập tại các xã: Nậm Chày, Dương Quỳ, Nậm Xây, Nậm Xé, Minh Lương và Sơn Thủy.
Mô hình cung cấp chỗ ở tạm lánh và bảo vệ, giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực gia đình trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi về sức khỏe, tâm lý và giúp họ hòa nhập cuộc sống.
Các thành viên tham gia mô hình không chỉ là các cá nhân tiên phong trong thực hiện phòng chống bạo lực tại chính gia đình mà còn là những tuyên truyền viên tích cực truyền thông trong cộng đồng về các vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ tại chỗ kịp thời cho người bị bạo lực; kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan; cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho xây dựng kế hoạch thông qua báo cáo vụ việc ngay sau khi xử lý hoặc báo cáo định kỳ theo tháng, quý, năm cho cơ quan, tổ chức chủ quản…
Tại buổi ra mắt, các thành viên tham gia mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Bàn tập huấn vận hành mô hình.
Nội dung tập huấn xoay quanh các kiến thức về vai trò, nguyên tắc hoạt động của mô hình; quy trình vận hành; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tham gia vận hành "Địa chỉ tin cậy".
Như vậy, tính đến thời điểm này, huyện Văn Bàn đã có 7 mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Ngoài 6 mô hình mới được thành lập vào tháng 9, huyện có 1 mô hình điểm được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập tại xã Thẳm Dương
Xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy” là hoạt động nằm trong Nội dung 2 "Nâng cao quyền năng kinh tế và giải quyết vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.