Văn Bàn: Nhiều người “sập bẫy” mua hàng trả lại tiền

Tin vào những lời giới thiệu, “dụ dỗ” của nhóm đối tượng không rõ lai lịch, nhiều người dân trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ và xã Võ Lao, huyện Văn Bàn đã “sập bẫy” mua hàng trả lại tiền. Các mặt hàng người dân bị “lừa mua” là đồ gia dụng (nồi áp suất, bếp điện, chảo…) với giá cao gấp nhiều lần so với thực tế trên thị trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
f00c3158b8b817e64ea9.jpg
Bà Chín và các sản phẩm mua với giá cao.

Thời gian gần đây, những thôn, bản vốn bình yên của xã Khánh Yên Hạ trở nên xôn xao bởi hàng trăm người bị một nhóm đối tượng lạ lừa mua các mặt hàng gia dụng (nồi áp suất, bếp điện, bếp hồng ngoại, chảo…) với giá “cắt cổ”.

Sau khi nhận được tờ rơi của các đối tượng lạ mặt, ngày 31/3 và 1/4, bà Trần Thanh Chín ở thôn Pắc Sung tìm đến địa điểm tổ chức (là một nhà hàng trên địa bàn xã) để tham gia sự kiện. Bà Chín cho biết: Ngày đầu, họ giới thiệu là nhân viên của một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng điện tử, gia dụng, trong đó có nhiều sản phẩm cao cấp (máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát…) giá hàng chục triệu đồng. Sau đó, họ giới thiệu từng sản phẩm, mời những người tham dự sự kiện ăn cơm và tặng nhiều phần quà là hàng tiêu dùng (nước mắm, nước giặt, nước rửa chén…) cho người dân.

daaf1af393133c4d6502.jpg
Các sản phẩm mà đơn vị bán cho người dân với giá cao.

Ngày thứ 2, để tạo sự tin tưởng và kích thích mua hàng, các đối tượng lần lượt bán các mặt hàng có giá trị thấp (khay inox, dụng cụ mài dao, chổi lau nhà…) với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/sản phẩm với lời hứa chỉ tặng, không bán. Các đối tượng sau đó hoàn lại 100% tiền mua sản phẩm khiến tất cả những người có mặt đều tin tưởng và “xuống tiền” mua hàng.

219444d51e3ab164e82b.jpg
Đơn vị đang giới thiệu sản phẩm trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ (Ảnh do người dân cung cấp)

Tiếp tục kịch bản “chỉ tặng, không bán”, cuối buổi sáng 1/4, các đối tượng đưa ra sản phẩm nồi áp suất điện với giá 4,6 triệu đồng/sản phẩm. Lúc này, nhiều người tỏ ra nghi ngờ nhưng một người dân mua và được các đối tượng trả lại 4,6 triệu đồng như lời hứa trước đó. Sau đó, nhiều người đăng ký mua hàng thì đối tượng thông báo các sản phẩm giá trị cao rất khan hiếm hàng và chuyển sang bán “phiếu đặt cọc” với giá 100 nghìn đồng/phiếu. Ai mua phiếu thì chiều 1/4 sẽ được ưu tiên mua sản phẩm trước, ai không mua sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc. Các đối tượng tiếp tục “hứa” sau khi người dân mua, công ty sẽ trả lại tiền như các sản phẩm trước đó.

“Với tâm lý sợ không được mua hàng, hàng trăm người đã bỏ ra 100 nghìn đồng để mua phiếu với hi vọng “không mất tiền” mà vẫn mua được đồ về sử dụng. Họ cũng thông báo phiên “bán hàng trả lại tiền” sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến nên hầu hết mọi người đều ở lại dùng bữa trưa tại nhà hàng và chờ đợi đến giờ tổ chức sự kiện “tri ân” - bà Chín chia sẻ.

c1d42a97a3770c295566.jpg
Sản phẩm được giới thiệu chủ yếu là đồ gia dụng.

Sau bữa trưa, vì tin theo “lời hứa” của nhóm đối tượng, bà Chín đã “xuống tiền” mua 2 sản phẩm (nồi lẩu điện, bếp hồng ngoại) với giá 9,2 triệu đồng. “Chúng tôi cứ ngỡ công ty về giới thiệu sản phẩm, bán hàng ưu đãi cho người dân dùng thử, ai ngờ đến lúc họ đi rồi mới tá hỏa ra là bị lừa mua hàng giá cao. Nếu ngay từ đầu họ nói rõ là bán hàng thì chúng tôi không bao giờ mua” - bà Chín ngậm ngùi nói.

May mắn hơn bà Chín, bà Lưu Thị Én và bà Nguyễn Thị Tươi cũng tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, bán hàng của nhóm đối tượng lạ mặt, có mua hàng nhưng đã lấy lại được tiền nhờ 1 phút tỉnh táo.

Bà Lưu Thị Én kể lại: Sau khi mua sản phẩm, tôi nhận thấy nhiều đối tượng “rút” ra ngoài nên đi theo và thấy các đối tượng này vội vã ném đồ lên xe tải. Tôi giữ một đối tượng, yêu cầu trả hàng, hoàn lại tiền. Khi tôi định hô hoán lên thì đối tượng này lôi tôi ra một góc kín, trả lại số tiền đã mua hàng, đồng thời ngăn không cho tôi trở lại khu vực giới thiệu sản phẩm.

Cũng giống như bà Én, bà Tươi ở thôn Độc Lập, xã Khánh Yên Hạ đã mua đồ nhưng sớm phát hiện có dấu hiệu lừa dối nên đòi lại được tiền. Bà Tươi chia sẻ: Khi mọi người nhốn nháo, các đối tượng tiếp tục trấn an bằng “lời hứa” sẽ trả lại tiền. Đối tượng giới thiệu sản phẩm thông báo lô sản phẩm vừa bán có một số bị lỗi, móp méo, đề nghị người dân kiểm tra lại để công ty đổi trả. Tôi thấy có dấu hiệu đáng nghi nên chạy theo một người trong nhóm đó và anh ta vội trả lại tiền. Trong lúc mọi người kiểm tra sản phẩm thì các đối tượng còn lại đã chạy ra ngoài và lên xe tẩu thoát. Khi mọi người phát hiện ra thì cả nhóm đối tượng lạ mặt đã mất dấu.

97cdc0e14801e75fbe10.jpg
Bà Tươi may mắn lấy lại được tiền.

Trao đổi với phóng viên Báo Lào Cai về việc có nhóm đối tượng lạ đến giới thiệu sản phẩm, bán hàng cho người dân trên địa bàn xã, ông Đặng Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ cho biết: Ngày 27/3, có một đối tượng (tự giới thiệu tên là Lộc) đến UBND xã đề nghị xã cho phép vào địa bàn để giới thiệu sản phẩm và khảo sát nhu cầu của người dân để mở siêu thị. Đối tượng có xuất trình Giấy đăng kí kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp và một văn bản đồng ý của Sở Công Thương tỉnh về việc đồng ý cho tổ chức hoạt động giới thiệu sản phẩm. Đối tượng này cũng ngỏ ý tặng UBND xã một máy lọc nước RO nhưng chúng tôi không nhận. Đối tượng này còn đề nghị UBND ký văn bản xác nhận cho nhóm đối tượng tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng nhưng chúng tôi không đồng ý ký.

Ngay sau đó, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi đã thông tin và đề nghị các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn… tích cực tuyên truyền tới người dân cảnh giác, không mua bán, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời yêu cầu lực lượng công an xã nắm bắt tình hình, theo dõi hoạt động của các đối tượng này.

79daced735349a6ac325.jpg
Ông Đặng Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ trao đổi với phóng viên Báo Lào Cai về vụ việc.

Đến sáng 1/4, tôi tiếp tục nhắn tin vào các nhóm zalo của xã đề nghị các bí thư chi bộ, trưởng thôn, hệ thống Mặt trận Tổ quốc tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Cuối buổi sáng 1/4, lực lượng công an xã cũng thông tin về việc các đối tượng chỉ giới thiệu sản phẩm, chưa có dấu hiệu bán hàng trái phép nên chưa có căn cứ xử lý. Chúng tôi cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hàng hóa của các đối tượng này để đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng khi lực lượng quản lý thị trường tới thì các đối tượng đã rời đi. Chỉ trong khoảng 1 giờ buổi trưa 1/4, các đối tượng đã bán hàng cho người dân và “biến mất” khỏi địa phương.

Đây là thủ đoạn bán hàng không mới nhưng vẫn có rất nhiều người dân “mắc bẫy”. Việc làm của các đối tượng này có dấu hiệu bán hàng trái phép và lừa dối người tiêu dùng. Đây cũng là bài học để chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ rút kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân trên địa bàn nắm bắt được các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, giúp Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Đặng Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ

Tại xã Võ Lao, cũng bằng thủ đoạn tương tự, trong 2 ngày (31/3 và 1/4), hàng chục người dân cũng bị các đối tượng “lừa” bán hàng với giá cao. Bà Lự Thị Toán ở thôn Chiềng 4, xã Võ Lao cho biết: Chúng tôi cũng biết các sản phẩm này có giá cao hơn thị trường nhưng không hiểu sao lúc đó vẫn tin vào “lời hứa” mua hàng sẽ được trả lại tiền. Tôi mua 2 sản phẩm với giá 5,65 triệu đồng. Ngoài tôi còn có hàng chục người khác mua sản phẩm của các đối tượng này.

1f545a14d3f47caa25e5.jpg
Các mặt hàng được bán với giá cao.

Ông Doãn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết: Nhóm đối tượng đến địa phương xin phép thực hiện khảo sát để mở siêu thị phục vụ ẩm thực, UBND xã đã yêu cầu các đối tượng xuất trình giấy tờ hợp pháp nhưng các đối tượng xin cung cấp sau. Trong những ngày diễn ra sự kiện giới thiệu, chúng tôi đã cử lực lượng công an theo dõi, nắm bắt tình hình và tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Sáng 1/4, UBND xã thành lập tổ công tác đến kiểm tra nhưng các đối tượng không tổ chức hoạt động bán hàng. Đến 13 giờ 30 phút ngày 1/4, đoàn công tác của UBND xã tiếp tục tiến hành kiểm tra thì các đối tượng đã bỏ đi từ trước đó.

Các đối tượng thực hiện hành vi bán hàng trái phép trong khoảng thời gian rất ngắn, chuyên nghiệp nên chính quyền địa phương không kịp trở tay. Tuy nhiên, do UBND liên tục nắm bắt, kiểm tra nên các đối tượng không có nhiều thời gian thực hiện hành vi bán hàng trái phép, thiệt hại của người dân cũng vì thế mà giảm đáng kể...

Ông Vĩnh chia sẻ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lào Cai, các mặt hàng gia dụng (nồi áp suất điện, chảo lẩu điện đa năng, bếp hồng ngoại…) mà nhóm đối tượng lạ mặt thực hiện hành vi bán hàng trái phép, có dấu hiệu lừa dối khách hàng tại huyện Văn Bàn với giá 4,6 triệu đồng/sản phẩm đều mang thương hiệu JIPL@L, được bán nhiều trên các sản thương mại điện tử, siêu thị điện máy với giá dao động từ 900 nghìn đồng - 1,6 triệu đồng/sản phẩm. Đây là sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, không phải hàng hóa sản xuất trong nước như các đối tượng giới thiệu với người dân. Ngoài ra, loại chảo được nhóm đối tượng bán với giá 1,05 triệu đồng/sản phẩm trên thực tế chỉ có giá khoảng 300 nghìn đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà tặng (nước rửa chén, nước giặt, nước mắm, chổi lau nhà…) đều là hàng hóa mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng khó đảm bảo.

8fa7c7fef41d5b43020c.jpg
Bà Toán với số hàng trên 5 triệu đồng.

Qua sự việc hàng trăm người dân tại xã Khánh Yên Hạ và xã Võ Lao “sập bẫy” mua hàng trả lại tiền của nhóm đối tượng lạ mặt có thể nhận thấy: Các đối tượng đều có chung “kịch bản” tặng mặt hàng có giá trị nhỏ, mời người dân ăn uống để tạo lòng tin, khiến người dân lơ là, mất cảnh giác; dẫn dắt người dân mua các món đồ giá trị thấp, sau đó trả lại tiền; đưa ra ma trận thông tin không trung thực về sản phẩm. Cuối cùng bán các mặt hàng có giá trị cao, sau đó rời khỏi địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng trên, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, giới thiệu, khuyến mại, bán sản phẩm trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân thận trọng khi tham gia các chương trình bán hàng khuyến mại trá hình; cần vào cuộc kiểm tra, giám sát và có biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử lý các vi phạm nếu có đối với các sản phẩm được giới thiệu...

Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không nên có tâm lý “không mất tiền vẫn mua được hàng”, không mua sản phẩm mà chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như công dụng; nên đến các cửa hàng, siêu thị uy tín và địa chỉ rõ ràng để mua sắm. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có hình thức xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chuyện giảm nghèo ở ''lõi nghèo'' Lào Cai

Chuyện giảm nghèo ở ''lõi nghèo'' Lào Cai

Lào Cai có chín huyện, thị xã, thành phố thì có đến bốn huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Để giúp đồng bào sống ở các khu vực “lõi nghèo” (gồm 10 xã nghèo nhất của bốn huyện) có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao nhận thức về bệnh hen suyễn

Nâng cao nhận thức về bệnh hen suyễn

Ngày hen toàn cầu năm 2024 được tổ chức vào ngày 7/5. Tổ chức Toàn cầu phòng, chống hen phế quản đã chọn chủ đề “Trao quyền giáo dục về bệnh hen suyễn” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh hen suyễn và những gánh nặng của bệnh.

Cây táo tuổi thơ

Cây táo tuổi thơ

Bất cứ vị khách nào, nếu có dịp ghé thăm Trường THCS Bản Cầm, huyện Bảo Thắng đều rất ngạc nhiên với hình ảnh cây táo cổ thụ, sừng sững giữa sân trường - “Thư viện xanh” yêu thích của hàng trăm học sinh trong mỗi năm học.

Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28

Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

fb yt zl tw