Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bộ giao thông vận tải có Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy và lãnh đạo các đơn vị, cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự buổi làm việc về phía lãnh đạo tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai.
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng chiều dài tuyến đường sắt là 388,1 km với điểm đầu là ga Lào Cai và điểm cuối là ga cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng, trong đó chiều dài qua tỉnh Lào Cai là 65,01 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 194.929 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 32.381 tỷ đồng. Toàn tuyến đường sắt có 16 ga (13 ga hành khách và hàng hóa), trong đó đoạn qua tỉnh Lào Cai có 4 ga với dự kiến tên gọi: Lào Cai, Bảo Thắng, Sa Pa và Văn Bàn.
Về phía tỉnh Lào Cai, sau khi có chủ trương, tỉnh đã thành lập Tổ công tác về triển khai dự án do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan. UBND tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trong công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng và các điều kiện về triển khai xây dựng dự án trên địa bàn tỉnh theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Về công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng, tái định cư, UBND tỉnh Lào Cai đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm đếm sơ bộ, dự kiến phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư để có thể triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội phê duyệt. Tỉnh cũng chỉ đạo rà soát tất cả các dự án đang triển khai thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án, thông báo cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp và người dân về thông tin và tiến độ triển khai dự án để có giải pháp tạm dừng đầu tư, điều chỉnh dự án.
Diện tích thu hồi để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 656 ha, trong đó diện tích rừng khoảng 444 ha, 212 ha đất trống, đất nông nghiệp, đất khác. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh khoảng 3.758 tỷ đồng; tỉnh Lào Cai có 451 hộ phải sắp xếp tái định cư, dự kiến bố trí vào 11 khu tái định cư; sắp xếp, di chuyển các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Đông Phố Mới với 42 dự án.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã tham gia ý kiến về việc triển khai dự án. Đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đã nêu kiến nghị với 5 điểm liên quan đến xây dựng các ga, nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng do địa phương chuẩn bị và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã trả lời kiến nghị, đề xuất của các địa phương và ý kiến của đại diện các thành viên đoàn công tác về quy mô đầu tư, công nghệ, tiêu chuẩn kĩ thuật, phương án giải phóng mặt bằng…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện các dự án chiến lược khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan để có ý kiến thẩm tra chính thức dự án. Trong đó sẽ đánh giá cụ thể sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, phương án đầu tư khai thác hướng tuyến, vấn đề công nghệ… để hoàn thiện dự án.
Qua khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Minh Sơn đánh giá cao các địa phương đã có đề xuất phù hợp với thực tế nhằm khai thác hiệu quả nhất tuyến đường sắt này. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương làm rõ đề xuất về cơ chế đặc thù cần thiết để Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, tham mưu đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai dự án.