Nhiều thay đổi
Theo dự thảo, các trường được xét tuyển sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Về phương thức tuyển sinh, các trường được tự chủ quyết định thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Mỗi phương thức phải nêu rõ tiêu chí đánh giá, điều kiện trúng tuyển. Riêng phương thức tuyển sinh dựa trên điểm học bạ, kết quả thi theo từng môn (gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi môn tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả đánh giá khác), dự thảo nêu rõ, tổ hợp môn dùng xét tuyển gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm; trường hợp sử dụng điểm học bạ cấp THPT xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Như vậy, các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm các môn. Cũng với xét học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm của 3 - 5 học kỳ như hiện nay. Nếu điều này thành hiện thực, các trường đại học không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn từ tháng 3 như hiện nay mà sẽ công bố muộn hơn.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, sự điều chỉnh trong phương thức xét điểm học bạ xuất phát từ kiến nghị cho rằng, việc bỏ xét điểm học kỳ 2 của lớp 12 khiến học sinh lơ là học tập, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông giai đoạn cuối cấp THPT. Điều này còn khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ít lại, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, tạo sự mất công bằng trong cơ hội vào các trường đại học tốt của thí sinh.
Về cách thức quy đổi điểm xét tuyển đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả điểm ưu tiên, điểm thưởng, khuyến khích). Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
Bất hợp lý
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm có thể gây xáo trộn đến công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường sẽ điều chỉnh mốc thời gian các phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo đề án của nhà trường trước đây sẽ là phương thức xét tuyển sớm cho năm 2025; các phương thức xét bằng kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và điểm học bạ THPT sẽ xét tuyển chung với xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025.
“Theo tôi, quy định này không vi phạm các quy định về tự chủ trong tuyển sinh, bởi tự chủ trong khuôn khổ của pháp luật và Bộ GD-ĐT muốn đưa ra quy định này cũng để công bằng cho học sinh. Nhà trường sẽ góp ý một số điểm trong dự thảo như: nên xem xét quy định số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển sớm không vượt quá chỉ tiêu xét tuyển sớm; nên làm rõ cách quy đổi điểm với trường hợp xét các em đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố...”, TS Nguyễn Trung Nhân đề xuất.
Theo một chuyên gia khảo thí của Đại học Quốc gia TPHCM, con số 20% dành cho phương thức xét tuyển sớm (xét điểm học bạ, điểm các kỳ thi riêng, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng theo đề án của các trường...) là quy định cứng nhắc, cơ sở khoa học không đủ thuyết phục. Quy định này lại càng không phù hợp với đặc thù của đa dạng ngành học và cơ sở giáo dục đại học.
Một số ngành như Kỹ thuật, Công nghệ có thể cần xét tuyển sớm 50%-60% chỉ tiêu để thu hút thí sinh giỏi là hoàn toàn phù hợp, trong khi các ngành như Y khoa, Sư phạm chỉ cần tỷ lệ thấp hơn như thực tế một số trường áp dụng. Áp đặt chung tỷ lệ 20% cho tất cả là bất hợp lý, đi ngược xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới khi họ cũng xét tuyển dựa trên điểm học bạ THPT và kết hợp các kỳ thi riêng để tuyển chọn, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện.
“Khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm là một bước lùi, làm giảm sự sáng tạo và linh hoạt trong tuyển sinh. Thực chất không có số liệu, nghiên cứu nào chứng minh con số 20% là tối ưu cho tất cả các trường và ngành học mà chỉ là con số mang tính phiến diện chủ quan”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT): Những thay đổi nhằm bảo đảm công bằng cho các thí sinh
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo để áp dụng từ năm 2025 là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; nếu xét tuyển học bạ phải có kết quả học kỳ 2 lớp 12...
Việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ trên tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, vì không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12. Thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, các em vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Một điểm sửa đổi đáng chú ý nữa của dự thảo là điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Do đó, dự thảo quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.
Với quy định này, các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây mất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.
TS VÕ VĂN TUẤN, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang: Khó cho các trường!
Dự thảo quy định xét điểm học bạ THPT phải xét cả học kỳ 2 của lớp 12 là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, hiện các trường thấy rất khó với quy định “chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo”.
Ví dụ, trường chọn xét học bạ là phương thức xét tuyển sớm thì phải sau 31-5, học sinh lớp 12 mới có kết quả. Nếu có 1.000 thí sinh đăng ký thì chỉ chọn 200, nhưng đến đợt xét tuyển chung thí sinh tăng lên trường không thể nâng điểm chuẩn hay gọi thêm. Xét tuyển học bạ ảo đến 60%-70% vì thí sinh nộp rất nhiều trường. Còn “điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung” là rất khó để các trường thực hiện bởi bản chất kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng, phương thức xét tuyển kết hợp rất khó có công thức để quy đổi.