Việc làm rất khó, nhưng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (NQ 18), Yên Bái đã giảm 357 cơ quan, đơn vị; 12 đơn vị hành chính cấp xã; 993 thôn, bản, tổ dân phố; trên 1.200 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; 302 biên chế công chức, viên chức; cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị.
Việc sắp xếp, tinh gọn kỳ này theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tầm vóc một cuộc "cách mạng” sẽ quyết liệt hơn, đồng bộ hơn nhằm đạt cho được mục tiêu xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Yêu cầu rất cao đang tạo áp lực rất lớn về tiến độ trình Ban Chỉ đạo tổng kết NQ 18 của tỉnh các phương án, đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy (trước ngày 31/12/2024 và trước 30/1/2025) với tinh thần "chạy là chạy cả hàng, không lộn xộn, không chờ ai” đang được các cấp ủy Đảng; lãnh đạo được giao chủ trì; người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng.
Trong lúc này, "sức nóng” của việc tinh gọn bộ máy đang tác động và hình thành tâm trạng ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống thống chính trị. Tâm trạng ở bộ phận này là "bất an” với những băn khoăn: mình sẽ ở đâu khi tổ chức kết thúc hoạt động hay sáp nhập; vị trí, việc làm, lợi ích cá nhân sẽ như thế nào?
Tâm trạng là trạng thái nội tâm, hình thành từ nhận thức, tâm lý của cá nhân trước những vấn đề có tính xã hội hoặc tác động trực tiếp đến cá nhân, tổ chức, đơn vị mình. Khi một cá nhân có tâm trạng thì không ảnh hưởng đến công việc nhiều. Khi một số bộ phận, hoặc số đông có tâm trạng là có tác động đến tư tưởng, cần được quan tâm nắm bắt, đả thông kịp thời.
Tư tưởng thông suốt thì làm việc gì, dù có khó mấy cũng thành công. Tư tưởng chưa thông thì làm việc gì cũng khó. 70 năm trước, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá II, tháng 7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản báo cáo rất quan trọng. Báo cáo gồm hai phần: "Tình hình mới” và "Nhiệm vụ mới”. Trong báo cáo, Người nói: "Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tất sẽ "đụng chạm”. Vì lợi ích chung, sẽ có những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải "hy sinh” quyền lợi. Do đó, công tác lãnh đạo tư tưởng phải thực hiện thật quyết liệt ngay từ mỗi chi bộ.
"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị không chỉ lãnh đạo công tác tư tưởng mà cần là những người gương mẫu chấp hành sự phân công, bố trí của tổ chức. Thông suốt tư tưởng, phải đặc biệt quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhận thức đúng, đầy đủ. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Công tác tư tưởng luôn là một bộ phận trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. "Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”. Làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, là góp phần rất quan trọng vào thành công trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy.
Tuấn Anh