Thời gian qua, đặc biệt là dịp cận Tết và sau Tết Nguyên Đán, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục phát đi các cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội nhưng vẫn có nhiều người dân sập bẫy, bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng Ba này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về những hình thức, cách thức lừa đảo trên mạng; những giải pháp cần thực hiện để hạn chế tình trạng người dân bị mắc bẫy lừa đảo.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
"Đáng nói, các đối tượng lừa đảo liên tục dựa vào nhu cầu của người dân, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua và các dịp lễ như Valentine 14/2, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và sắp tới là 30/4, 1/5… để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Việc đuổi theo, ngăn chặn các hình thức lừa đảo trực tuyến là không khả thi. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân," ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh mẽ, trong khi người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ông Trần Quang Hưng khẳng định, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến nhanh chóng, kịp thời đến được càng nhiều người càng tốt.
Cục An toàn thông tin đã xây dựng và phát hành "Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến," "Cẩm nang An toàn trực tuyến, giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng." Cục phối hợp với các đơn vị thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Đặc biệt, Cục An toàn thông tin đã triển khai xây dựng chuỗi Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời, giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Điểm qua các hình thức lừa đảo trực tuyến, ông Trần Quang Hưng cho biết: "Mặc dù trên mạng tồn tại đa dạng các hình thức, cách thức lừa đảo, tuy nhiên, tựu chung lại có 3 dạng lừa đảo phố biến. Thứ nhất, kẻ xấu dẫn dụ người dân cài và sử dụng phần mềm độc hại, từ đó ăn cắp thông tin cá nhân để giả dạng và tiến hành lừa đảo. Thứ 2, lừa đảo để nạn nhân đăng nhập (click) vào các đường dẫn (link) nhiễm mã độc, lừa lấy thông tin bảo mật, mã bảo mật 1 lần (OTP) để đăng nhập tài khoản mạng xã hội, ngân hàng rồi trục lợi kinh tế. Thứ 3, kẻ xấu giả danh các đối tượng khác, lừa người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân rồi chiếm lợi".
Để tránh dính bẫy lừa đảo, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính nào thông qua mạng xã hội. Người dùng nên thực hiện xác minh danh tính chính xác của đối tượng trước khi thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội); tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng lạ hay trên bất kỳ một trang web không rõ uy tín; không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.
Về những giải pháp để ngăn chặn lừa đảo, ông Trần Quang Hưng cho biết Cục An toàn thông tin đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; điều phối ngăn chặn các trang thông tin phạm pháp, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi việc thuê bao di động chính chủ được các đơn vị phối hợp triển khai có kết quả, các hình thức lừa đảo qua điện thoại sẽ giảm, việc xác minh danh tính chính xác của đối tượng thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp sẽ rõ ràng, đầy đủ.
Về việc tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực hiện các hành vi lừa đảo công nghệ cao qua "deepfake" (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao), theo thống kê của Cục An toàn thông tin, nạn nhân của hình thức lừa đảo này thường là những người lớn tuổi, sử dụng điện thoại cũ với hệ điều hành Android… nên đối tượng dễ thực hiện thành công hành vi lừa đảo.
Trong khi chờ những công nghệ và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn được các hình thức lừa đảo này, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ về các hành vi lừa đảo mới tới người dân. Từ đó, người dân có thông tin nắm bắt kịp thời các thủ đoạn, hành vi lừa đảo.