Trung Quốc thông qua bộ luật về kinh tế tư nhân đầu tiên

Quốc hội Trung Quốc hôm qua (30/4) đã thông qua Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân. Đây là bộ luật cơ bản đầu tiên của nước này dành riêng cho việc thúc đẩy khu vực tư nhân, khẳng định sự ủng hộ đối với một phần quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân của Trung Quốc gồm 9  chương 78 điều, được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua sau 3 lần xem xét. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5.
Bộ luật này quy định các biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh, cải thiện môi trường đầu tư và tài chính, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án khoa học và đổi mới công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế của khu vực tư nhân.
Bà Lưu Dân (Liu Min), Phó Cục trưởng Cục Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết: "Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân là bộ luật cơ bản đầu tiên dành riêng cho phát triển kinh tế tư nhân, có ý nghĩa quan trọng và sâu rộng trong việc ổn định kỳ vọng, thúc đẩy niềm tin, tập hợp sức mạnh và khơi dậy động lực phát triển của kinh tế tư nhân.”
Bà cũng cho biết, đây là lần đầu tiên "hai không lay chuyển” được quy định rõ ràng trong pháp luật, gồm không lay chuyển trong việc củng cố và phát triển khu vực kinh tế công, không lay chuyển trong việc khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài công lập; lần đầu tiên luật nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bền vững, lành mạnh và chất lượng cao là chủ trương, chính sách lớn mà nước này thực hiện lâu dài.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khu vực tư nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm ở đô thị ở nước này.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc cho thấy, trong quý I/2025, 1.979.000 doanh nghiệp tư nhân mới đã được thành lập tại nước này, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước - vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình của 3 năm qua. Trong đó, 836.000 doanh nghiệp, tức trên 40% thuộc 4 lĩnh vực mới, gồm công nghệ mới, ngành nghề mới, hình thức kinh doanh mới và mô hình kinh doanh mới.
Tính đến cuối tháng 3, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký của Trung Quốc vượt 57 triệu, chiếm 92,3% tổng số doanh nghiệp.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, mặc dù nhiều quy định và biện pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân đã được nước này đưa ra những năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên sự công nhận được nâng lên thành luật pháp quốc gia. Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong kỷ nguyên số, nơi họ đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Quá trình soạn thảo bộ luật dành riêng cho khu vực tư nhân được Trung Quốc khởi động từ năm 2024. Luật được thông qua trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan với Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hòa hoãn. Bộ luật này được đánh giá là có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, bởi khu vực tư nhân hiện là một bộ phận quan trọng của cơ cấu kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực tạo việc làm và xuất khẩu.
(Theo VOV)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Di tích lịch sử liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia trở thành di sản văn hóa thế giới

Di tích lịch sử liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia trở thành di sản văn hóa thế giới

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã gửi thông điệp chào mừng sau khi 3 di tích lịch sử của Campuchia chính thức được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 11/7.

Kinh tế Anh tiếp tục suy giảm

Kinh tế Anh tiếp tục suy giảm

Theo CNBC ngày 11-7, dữ liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế Anh tiếp tục suy giảm do không thể thoát khỏi tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và tình hình kinh doanh bất ổn.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về chính sách thuế và an ninh khu vực

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về chính sách thuế và an ninh khu vực

Ngày 11/7, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao ba bên, bên lề các cuộc họp ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế xuất khẩu của Seoul và Tokyo.

fb yt zl tw