Triển lãm mang tới người xem 137 tác phẩm hội họa, với nhiều thể loại như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh miền núi. Trong số này có hơn 10 bức sơn dầu của cậu con trai đầu mới 12 tuổi. Dương Ngọc Tuệ vẽ già dặn ở cả góc nhìn và kỹ thuật nhưng không ngạc nhiên khi biết cháu luôn vẽ cùng bố mẹ như một sinh hoạt tất yếu của gia đình nghệ sĩ.
Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Quỳnh lớn lên ở Hà Giang, còn Dương Ngọc Thăng ở Bắc Giang, có lẽ vậy nên tranh phong cảnh miền núi chiếm số lượng lớn trong sáng tác của họ. Tới giờ, khi gia đình đã có bốn người, mỗi dịp nghỉ hè hay về thăm quê ngoại, việc cả nhà cùng trực họa nhà sàn, ruộng ngô, lùm tre rặng núi, là điều dễ hiểu bởi đó là máu thịt và tình yêu hiển nhiên của họ.
Nguyễn Thị Quỳnh và Dương Ngọc Thăng là hai nghệ sĩ gắn bó từ những năm học hội họa lớp K48 (2004-2009) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đó, họ đã qua hệ Trung cấp, Quỳnh học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), Thăng học Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (nay là Trung cấp văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang). Trong những năm đại học, Thăng và Quỳnh là mẫu điển hình của “dân nghệ Yết Kiêu”, lúc nào cũng ngây ngất với hình màu, đắm đuối trong những chuyến đi vẽ thực tế và thi thoảng, trình làng những tác phẩm khiến không ít bạn học ngấm ngầm ghen tị trong khâm phục sự táo bạo của họ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, triển lãm lấy tên “Sắc màu” mà anh rất muốn gọi là “Tình ca Tây Bắc” của gia đình Nguyễn Thị Quỳnh, Dương Ngọc Thăng và Dương Ngọc Tuệ. Đây không phải một trình diễn những tìm tòi sáng tạo hội họa mới mẻ. Nó giản dị như cuộc sống và sinh hoạt nghệ thuật riêng tư còn kín tiếng của họ. Mặc dù thế, sự chân thành, ấm cúng và tình yêu hội họa bền chặt của Thăng Quỳnh là điều mà nhà nghiên cứu này cảm nhận được và hy vọng bạn bè công chúng sẽ trân trọng đón nhận.