Cụ thể, cả nước đã có hơn 19 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,45 triệu người, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, kết quả đạt được không như mong muốn.
Tại Hội nghị trực tuyến đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xa hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp các tháng cuối năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Ðình Liệu đề nghị, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác thu, giảm tiền chậm đóng và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là một số tỉnh có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch được giao…
Không ít khó khăn…
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9/2024, cả nước có hơn 19 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,03 triệu người, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm 2023; số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 1,99 triệu người, tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,31 triệu người, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,45 triệu người, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của toàn ngành thực hiện đến hết tháng 9/2024 tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cho thấy, nhiều địa phương dù có sự gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhưng vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao năm 2024; đáng chú ý, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục gia tăng, có nguy cơ vượt dự toán được giao trong năm… Ðể hoàn thành nhiệm vụ và đạt mục tiêu đề ra, có không ít khó khăn mà ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải vượt qua.
Trưởng ban Quản lý thu-sổ, thẻ Dương Văn Hào cho biết, từ tháng 7 đến nay có sự gia tăng mạnh mẽ số người tham gia, qua đó thấy rõ ba kinh nghiệm đúc rút và cần được Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục phát huy trong thời gian tới, đó là: Bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành, tham mưu sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, tổ chức dịch vụ thu; linh hoạt các giải pháp sáng tạo và phù hợp với địa phương.
Ðồng thời, Trưởng ban Dương Văn Hào đề nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn quy trình nghiệp vụ thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các tháng cuối năm, nhất là việc rà soát dữ liệu thuế, tổ chức hội nghị điểm với đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, hoặc tham gia chưa đầy đủ. Dữ liệu đã được Ban Quản lý thu-sổ, thẻ phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin rà soát tương đối kỹ, đã lọc ra các nhóm trùng lặp, gửi về Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố. Bảo hiểm xã hội các địa phương phải khẩn trương tiếp tục rà soát, đối chiếu dữ liệu, xác minh thực tế để triển khai các biện pháp thu, tăng số người tham gia.
Về mục tiêu giảm số chậm đóng trong các tháng cuối năm, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam Bùi Quang Huy nhấn mạnh, số đơn vị sử dụng lao động chậm đóng có xu hướng tăng, do đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra đột xuất…
Linh hoạt các giải pháp mở rộng bao phủ
Ðể hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu yêu cầu, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cần bám sát, căn cứ vào dữ liệu đối tượng tiềm năng của cơ quan thuế do Ban Quản lý thu-sổ, thẻ cung cấp và các nguồn dữ liệu khác do các sở, ngành, địa phương cung cấp, Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện rà soát, sàng lọc dữ liệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả. Giao Ban Quản lý thu-sổ, thẻ cử cán bộ chuyên trách để theo sát quá trình thực hiện ở Bảo hiểm xã hội các địa phương, nhất là với quy trình tổ chức hội nghị điểm đối thoại giữa Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế địa phương với các đơn vị sử dụng lao động, đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn theo phương thức trực tuyến với các khâu, quy trình nghiệp vụ đang còn thực hiện chưa tốt; chọn lọc đơn vị cần tập huấn, hướng dẫn trực tiếp.
Về công tác thu, giảm số tiền chậm đóng, phải thường xuyên báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; đồng thời, cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định.
Công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị phát động, triển khai các phong trào thi đua những tháng cuối năm, hướng tới phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thu, giảm số chậm đóng, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…