Triển khai công tác chỉ đạo tuyến và khám - chữa bệnh từ xa năm 2024

Chiều 13/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh từ xa năm 2024 và đóng góp ý kiến xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn mới.

Bác sỹ của Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Khoảng 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ, sở y tế một số tỉnh, thành phố, lãnh đạo và cán bộ chỉ đạo tuyến, quản lý chất lượng của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường Đại học, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, một số đối tác quốc tế đã tham dự hội nghị.

Mở ra rất nhiều hoạt động hợp tác và huy động nguồn lực

Phát biểu tại hội nghị, Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thông tin về một số nội dung trọng tâm trong triển khai chỉ đạo tuyến và khám chữa bệnh từ xa năm 2024. Phó Giáo sư,

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, công tác chỉ đạo tuyến không những là hoạt động thường quy mà đã được các bệnh viện phát triển thành thế mạnh, mở ra rất nhiều hoạt động hợp tác và huy động nguồn lực để thực hiện công tác này.

Các bệnh viện tuyệt đối không lồng ghép các hoạt động do Bộ Y tế cấp kinh phí và phê duyệt nội dung hoạt động với các hoạt động chỉ đạo tuyến khác của bệnh viện huy động từ các nguồn lực khác hoặc hợp tác, ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện với nhau.

“Trong quá trình triển khai thực hiện nếu cần thay đổi nội dung hoạt động để phù hợp với các điều kiện thực tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tham mưu Lãnh đạo Bộ giao cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm rà soát và phê duyệt thay đổi để rút ngắn thời gian giúp tạo thuận lợi cho các bệnh viện trong triển khai thực hiện đảm bảo tối ưu và hiệu quả kinh phí đã được giao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.

Hoạt động khám, chữa bệnh từ xa là một hoạt động mới và phát triển mạnh trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID19, hoạt động này ra đời để phục vụ cho việc hội chẩn cứu chữa bệnh nhân trong giai đoạn cách ly xã hội bởi dịch COVID19 (Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh đã giới thiệu về dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 – 2030”.

Theo Tiến sĩ Dương Huy Lương, Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ Y tế phê duyệt “Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới, giúp sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư.

Đề án đã được các địa phương tích cực triển khai và đạt được một số thành tựu quan trọng. Đề án có 14 bệnh viện hạt nhân bao gồm 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 5 bệnh viện thuộc Sở Ytế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng số bệnh viện vệ tinh là 45 tại các tỉnh.

Đề án đã xác định ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa thường xuyên quá tải: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; trong đó có hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật… Tiếp theo Đề án đã phát triển thành 10 chuyên khoa gồm 5 chuyên khoa trên và các chuyên khoa nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Sau khi triển khai thực hiện, Đề án đã vượt chỉ tiêu và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh.

Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông qua mô hình này, các y bác sĩ trên cả nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa được cập nhật, học hỏi các kiến thức chuyên môn, từ đó tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”. Đồng thời, khi được triển khai đề án hiệu quả thì các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn”, giúp việc thăm khám chất lượng cao vươn tới được với mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Với sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là Cách mạng 4.0 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, cùng với nhu cầu phát triển về chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện các cấp nên việc xây dựng đề án mới kết hợp giữa chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn với ứng dụng hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin, công nghệ y tế trong giai đoạn mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống khám, chữa bệnh.

Việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 – 2030” là nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực toàn diện các chuyên khoa và cả về mặt quản lý, xây dựng và mở rộng phạm vi đề án và các hoạt động khác phù hợp với sự phát triển các bệnh viện, Tiến sĩ Dương Huy Lương cho biết.

Đề án đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2024-2025, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng…

Giai đoạn 2025-2026, tiếp tục đầu tư phát triển bệnh viện hạt nhân vùng, nâng cấp một số bệnh viện vệ tinh thành bệnh viện hạt nhân vùng; mở rộng các chuyên khoa, lĩnh vực khác có nhu cầu. Các bệnh viện vệ tinh được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện hạt nhân được mở rộng thêm.

Giai đoạn sau năm 2026, đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2024 - 2026, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế và điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.

Tại Hội nghị, đại biểu góp ý cho dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 – 2030”; các bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nổi bật thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến, Đề án 1816…

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

11 cán bộ, chiến sỹ công an hiến máu cho Bệnh viện Đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai

11 cán bộ, chiến sỹ công an hiến máu cho Bệnh viện Đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai

Chiều 17/7, nhận được lời kêu gọi từ Bệnh viện Đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai đang cần rất nhiều đơn vị máu để phục vụ cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân, 11 cán bộ chiến sỹ Công an phường Cam Đường đã có mặt tại phòng tiếp nhận máu tình nguyện của Bệnh viện đa khoa số 2 để tiến hành thực hiện các xét nghiệm và hiến máu.

Rối loạn tâm thần có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe thể chất

Rối loạn tâm thần có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe thể chất

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về tiêu hóa. Căng thẳng kéo dài và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. 

Lác mắt - đừng chỉ nghĩ tới thẩm mỹ

Lác mắt - đừng chỉ nghĩ tới thẩm mỹ

Lác mắt (hay còn gọi là lé mắt) là một trong những bệnh lý nhãn khoa thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đây là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng: một mắt nhìn thẳng trong khi mắt còn lại có thể lệch vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Khi hiện tượng này xảy ra, não bộ sẽ nhận hai hình ảnh khác biệt từ hai mắt và không thể hợp nhất thành một hình ảnh duy nhất, dẫn đến rối loạn thị giác.

50 cán bộ y tế xã được tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

50 cán bộ y tế xã được tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sở Y tế tỉnh Lào Cai vừa tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” cho 50 cán bộ y tế đến từ 25 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

Đề xuất miễn, giảm viện phí với bệnh hiểm nghèo, thêm thuốc mới vào danh mục BHYT

Đề xuất miễn, giảm viện phí với bệnh hiểm nghèo, thêm thuốc mới vào danh mục BHYT

Bộ Y tế cho biết đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao; đang nghiên cứu các giải pháp khả thi, hiệu quả để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về miễn viện phí.

fb yt zl tw