Người dân tại các thôn khu vực ven sông Chảy của xã những năm gần đây đã chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng quế. Năm 2017, gia đình anh Giàng Văn Trưởng ở thôn Bản Mế vay vốn đầu tư trồng hơn 1 ha quế. Sau 6 năm, gia đình anh đã có thể tỉa cành, lá quế để bán. Anh Trưởng cho biết: "Tôi thấy cây quế phù hợp với khí hậu nên trồng thử nghiệm vài trăm cây. Dần dần nhận thấy cây quế sinh trưởng và phát triển tốt nên tôi quyết định mở rộng diện tích".
Đến nay, tổng diện tích quế của xã Bản Mế là 300 ha. Nhờ hình thành vùng sản xuất tập trung nên nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản miền xuôi đã tìm đến thu mua. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp nên việc vận chuyển quế cũng thuận lợi. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có Hợp tác xã Bản Mế hỗ trợ bà con thu mua quế và cung ứng giống tại chỗ. Hợp tác xã có hơn 30 xã viên với thu nhập ổn định 7 - 10 triệu đồng/người/tháng và có 2 vườn ươm cung ứng ra thị trường hơn 20 vạn cây giống mỗi năm (trẩu, sưa đỏ, xoan ta, xoan đào… và chủ yếu là quế). Tổng doanh thu của hợp tác xã đạt hơn 1,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt gần 400 triệu đồng/năm. Hợp tác xã và một số hộ còn đầu tư dây chuyền thử nghiệm chưng cất tinh dầu quế.
Không chỉ trồng quế, xã Bản Mế còn phát triển chăn nuôi thông qua triển khai mô hình chuyển pha nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ kéo dài theo Nghị quyết 22 ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Triển khai từ năm 2018, đến nay, xã đã duy trì 93 cặp bò sinh sản tại các hộ với tổng đàn gần 400 con và 115 hộ được hưởng lợi. Xã phấn đấu đến năm 2025 tất cả các hộ được hưởng lợi từ dự án “Ngân hàng bò”, tăng tổng đàn lên 1.000 con.
Từ năm 2020, xã Bản Mế cũng triển khai mô hình trồng cây ăn quả gồm bưởi, mít, xoài, táo… với quy mô hơn 5 ha tại thôn Cốc Rế. Đến nay, một số hộ đã có nguồn thu từ những cây trồng này.
Bên cạnh đó, tận dùng nguồn nước dồi dào, một số hộ đã đào ao nuôi cá. Hiện tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản của xã là hơn 7 ha. Đặc biệt, 1 hộ tại thôn Sín Chải còn tận dụng ao nuôi để làm mô hình du lịch trải nghiệm, câu cá thư giãn, tạo thêm nguồn thu ngoài bán cá thương phẩm.
Tại các thôn vùng cao của xã như Sín Chải, Na Pá, chính quyền xã đã vận động người dân triển khai mô hình trồng cây củ kiệu với quy mô hơn 3,1 ha, đồng thời giúp người dân liên kết với một số đơn vị thu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Chưa dừng lại ở đó, xã còn cử người đi học tập kinh nghiệm và đưa vào trồng thử nghiệm giống măng tứ quý (nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre) tại thôn Bản Mế. Nếu giống măng này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có thể sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp, hướng đi mới đã được đưa ra, trong đó xã tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với phát triển hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Đối với các mô hình kinh tế mới, xã đề cao vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên. Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện giúp đỡ người dân triển khai các mô hình sản xuất. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn người dân sản xuất hiệu quả.
Hiện nay, sau khi rà soát theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 46,89%. Do đó, hướng đi hiện tại của xã là tập trung vào một số mô hình phù hợp với trình độ và điều kiện, tập quán canh tác của người dân. Xã hy vọng các giải pháp đang áp dụng sẽ phát huy hiệu quả, giúp các hộ, đặc biệt là hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững và cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.